Một buổi chiều, khi quay trở lại tập luyện những bài yoga nhẹ nhàng sau một thời gian ngưng trệ, tôi cảm thấy cơ thể mình như căng cứng, hơi thở gấp gáp, tứ chi nặng nề mỗi khi cố giữ thăng bằng. Tôi nhíu mày, cố gắng tập trung vượt qua những cảm giác khó chịu đang cuộn trào bên trong mình, nhưng không thể...
Mặc dù đã tập và đi dạy yoga được vài năm, nhưng vào lúc ấy, tôi thấy mình không khác một người hoàn toàn mới biết đến yoga. Cũng chính nhờ đó, khi thả lỏng bản thân để đến với những bài tập yoga như một người mới, tôi mới nhận ra được những quy tắc tinh thần cơ bản nhất mà một người tập yoga cần thiết ghi nhớ để có thể tiến bộ trong việc luyện tập và thực hành.
Bởi vì đôi khi, trong hành trình tập luyện lâu năm, khi đã đạt được một vài mốc thành tựu nhất định, rất nhiều người dễ rơi vào trạng thái vô thức mà bỏ quên mất những quy tắc này.
Sự thả lỏng là điều tối quan trọng. Bởi lẽ sau một thời gian luyện tập, nếu cảm thấy thành tích của bản thân không tiến triển, hoặc khó khăn khi làm lại những tư thế tưởng chừng đơn giản, chúng ta sẽ vô thức tự trách chính mình hoặc yêu cầu bản thân phải gồng lên, cố gắng thêm chút nữa. Chính sự mong mỏi hướng đến điều mình muốn đạt được lại càng dồn ép cơ thể căng cứng. Mỗi lần gồng mình là mỗi lần mệt mỏi, mỗi lần cắn răng chịu đựng là mỗi lần cơ thể chịu tổn thương thêm một chút. Mỗi buổi tập xong với tôi không còn là những trải nghiệm tốt đẹp, mà nó giống như một cách chứng tỏ để bản thân biết rằng mình vẫn "còn giỏi”.
Đối với nhiều học viên của mình, tôi cũng nhận thấy được sự căng thẳng hiện trên gương mặt của một vài người mà thường là những người mới hoặc những người còn chưa thành thục. Khi tiếp cận với bất cứ điều gì mới chúng ta cũng cần thiết bỏ ra sự nỗ lực để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Tuy nhiên, đôi lúc, sự nỗ lực vượt quá giới hạn của bản thân liên tục sẽ khiến cho cơ thể và tinh thần chịu sự căng thẳng và những tổn thương không đáng có.
Có những học viên đã lựa chọn từ bỏ vì thấy mình mãi không làm được các động tác như bạn cùng lớp. Có những người đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc lựa chọn đi tập để tốt cho sức khỏe hoặc đi chơi cho thoải mái tinh thần. Thay vì phải cố gắng lựa chọn và đấu tranh tư tưởng như vậy, chúng ta, chỉ cần thả lỏng cơ thể một chút, để cho cơ thể tự do làm những điều nó muốn. Khi mệt mỏi với việc mình cần phải tiến bộ, mệt mỏi với việc mình cần chứng tỏ với học viên hoặc với bất kỳ ai, tôi cho phép mình được ngã.
Nếu không giữ được plank nhiều hơn 3 phút, tôi sẽ cho phép mình đổ gục xuống. Nếu không thể vững chãi trong tư thế chiến binh, tôi cho phép bắp đùi mình được rung lên, thậm chí khuỵu xuống rồi lại tiếp tục đứng lên. Một điều bất ngờ sẽ xảy ra: bạn sẽ thấy mình tiến bộ nhanh hơn rất nhiều cùng với niềm hạnh phúc. Cơ thể cần có sự trải nghiệm toàn vẹn để có thể phát triển, và sự trải nghiệm đó sẽ không được trọn vẹn khi không có sự thả lỏng hoàn toàn.
Nói đến đây thì có nhiều học viên cũng từng thắc mắc với tôi rằng, cô cứ bảo thả lỏng nhưng chị/cô/bác không biết thả lỏng như thế nào. Thì có một cách cực kỳ đơn giản và hiệu quả mà tôi nhận thấy được chính là mỉm cười.
Một nụ cười mỉm nhẹ, thật kỳ diệu, nó sẽ giúp bạn thả lỏng được ngay lập tức toàn bộ cơ trên cơ thể, trong bất cứ trạng thái nào và cả hơi thở cũng sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Bởi vậy, trong mỗi giờ tập, ngay cả những khi căng thẳng nhất tôi vẫn luôn nói với mọi người hãy mỉm cười. Việc luôn ý thức đặt trên môi nụ cười sẽ giúp cho cơ thể được thả lỏng hoàn toàn. Khi đó, bạn hiểu được cảm giác rằng mọi chuyện đều rất nhẹ nhàng và rồi tất cả đều sẽ qua.
Mỗi khi tập, tôi đều tưởng tượng rằng bản thân vẫn còn là một đứa trẻ. Tư duy của một đứa trẻ không có phán xét, không tự đánh giá hoặc bất kỳ điều gì khác. Trẻ em luôn thoải mái bày tỏ với những gì diễn ra xung quanh mà không màng đến việc trở nên hoàn hảo hơn trong mắt người đối diện. Cảm xúc chợt đến, trẻ hoàn toàn có thể bật cười hoặc òa khóc mà không cố gắng để che giấu, đánh giá tốt xấu, lo lắng đúng sai. Chính điều đó khiến mọi đứa trẻ đều cảm nhận được sâu sắc bản thân vì chúng hiểu được rằng mình muốn gì, cần gì, thích điều gì và không thích điều gì.
Khi xem mình như một đứa trẻ, tôi để cho tâm trí mình hào hứng khám phá từng chuyển động, từng tư thế để xem liệu điều gì đang diễn ra với cơ thể. Tư thế này sẽ làm cho mình cảm thấy thoải mái hay khó chịu, khiến mình cảm thấy nhẹ nhõm hay nặng nề đau đớn, giới hạn đến đây của mình đã đủ hay chưa... Và chính việc tự trả lời cho những câu hỏi đó là quá trình đi vào bên trong để nhận thức về bản thân. Quá trình đó lại khiến cho tôi hiểu ra điều gì là cần thiết và thực sự tốt cho mình, điều gì phù hợp và điều gì không. Kết quả của quá trình tự nhận thức mới chính là một món quà vô giá mà tập luyện yoga đem lại cho bất kỳ ai đang trôi lạc giữa những dòng xoáy của cuộc đời. Chỉ cần bạn hiểu được cơ thể mình, bạn sẽ lựa chọn được những điều phù hợp giúp bạn có được hạnh phúc.
Trước khi bắt đầu một buổi tập, tôi thường cho mình một khoảng thời gian ngắn để tĩnh lặng, rồi khởi phát lòng biết ơn đối với cơ thể vì cơ thể tôi vẫn đang còn khỏe mạnh, còn có thể vận động và cùng tôi trải nghiệm cuộc sống. Tôi biết ơn hơi thở và không khí xung quanh vì đã cho tôi nguồn năng lượng sống mạnh mẽ, dồi dào tuôn chảy trong lồng ngực. Tôi biết ơn chiếc thảm đã nâng đỡ và bảo vệ cho cơ thể tôi, cùng rất nhiều những tác nhân xung quanh đã tập hợp lại để cho tôi có được một buổi tập trọn vẹn hoàn toàn.
Khi phát khởi một suy nghĩ biết ơn trong tâm trí, trạng thái tinh thần và năng lượng của chúng ta sẽ được mở ra hoàn toàn. Trạng thái mở rộng toàn bộ những cánh cổng năng lượng trên cơ thể giúp chúng ta vừa có thể giải phóng được những tắc nghẽn bên trong, buông bỏ đi những tổn thương cũ, vừa tạo cơ hội cho những năng lượng mới mẻ, hạnh phúc đi vào cơ thể.
Nếu để ý hơn, bạn có thể nhận ra rằng khi khởi phát lòng biết ơn thì vầng trán, chân mày và toàn bộ gương mặt sẽ tự động giãn nhẹ và đôi môi mỉm cười. Chỉ là một suy nghĩ nhưng nó có thể khiến toàn bộ cơ thể thay đổi hoàn toàn và có thể chữa lành được những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tập yoga vốn dĩ là một quá trình nhận thức cả về thể chất và tinh thần. Như tôi đã trải qua, sẽ có những lúc trong quá trình luyện tập chúng ta quên mất những suy nghĩ bên trong mình. Vì thế, việc ghi nhớ và thực hành những quy tắc cơ bản thường xuyên chính là cách hiệu quả giúp chúng ta có thể đồng hành bền vững cùng yoga trên con đường phát triển tinh thần và sức mạnh nội tại.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an