Gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Mặc dù hoàn cảnh trưởng thành không đảm bảo sự thành công cho mỗi cá nhân nhưng nó luôn được xem là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần.
Nguyên nhân chính dẫn đến loại tính cách này xuất phát từ việc thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, hoặc đã từng phải chịu đựng hành vi độc hại từ gia đình. Những đứa trẻ với xu hướng The hero thường hiểu chuyện và trưởng thành hơn những bạn đồng trang lứa. Với nỗi sợ khi lớn lên sẽ giống với người thân của mình, lo lắng rằng rồi đây chính mình cũng thực hiện những hành vi thiếu lành mạnh và sống một cuộc đời thống khổ, nên ngay từ khi hiểu chuyện, trẻ đã luôn cố gắng trở thành một phiên bản trái ngược hoàn toàn. Làm tốt việc của mình để bố mẹ không phiền lòng và nếu may mắn được đứng đầu trong một cuộc thi thì có khi bố mẹ sẽ thưởng cho một con gấu bông hay phần quà nào đó.
Vì đã âm thầm gách vác mọi thứ trong gia đình, chịu đựng những buồn, vui, giận, ghét không có ai chia sẻ nên khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ có tính cách bảo thủ và tự chủ. Cầu toàn trong công việc, chỉn chu với mọi người và độc lập giải quyết mọi vấn đề cá nhân.
Nhóm tính cách thứ hai là dễ nóng nảy và rất phòng thủ. Vì ít nhận được sự quan tâm và dạy dỗ từ người thân, nên khi những đứa bé này lớn lên rất dễ trở thành người đa nghi. Họ không có niềm tin với tất cả mọi người và mọi chuyện trên đời, dễ cáu gắt và nhạy cảm tới mức nếu vô tình bị trêu chọc dù chỉ bằng một vài câu đơn giản, họ cũng nổi loạn và thẳng tay dùng bạo lực đáp trả.
Sống trong thế giới không có sự yêu thương, nhóm trẻ này thường “thù đời” và không có mối quan hệ thân thiết quá mức với bất kỳ ai. Với xu hướng của một đứa trẻ chuyên tạo ra những rắc rối, thì việc trở thành “đại ca” trong lớp cũng là một trong những cách họ dùng để thu hút sự chú ý. Ở bất kỳ độ tuổi nào, con người vẫn luôn muốn được khen ngợi, được san sẻ, được trút bầu tâm sự. Muốn được cha mẹ quan tâm nhưng không biết cách, chúng chỉ còn biết chống đối xã hội, quậy thầy đánh bạn để được mời phụ huynh. Có thể nổi loạn là cách duy nhất mà trẻ có thể gián tiếp nói với gia đình rằng: Con cũng cần được bố mẹ hỏi han, con muốn được sống trong yêu thương và quây quần trong bữa cơm gia đình để chia sẻ những chuyện vui ở trường lớp, chứ không phải suốt ngày nghe thấy những lời trách mắng, đay nghiến và thù hằn.
Một tính cách mà chúng ta cũng có thể bắt gặp ở nhóm trẻ lớn lên trong gia đình bất ổn chính là an phận. Sống trong bất hòa, những đứa trẻ đó không còn nhiều mục tiêu trong cuộc sống và mong muốn lớn nhất chỉ là có thể trốn tránh tất thảy rắc rối trong gia đình bằng cách biến mất. Đọc sách, xem phim, viết lách hoặc ẩn nấp đâu đó mà không ai có thể tìm thấy, chúng thu mình và sống trong thế giới tự mình vẽ ra. Không dám đối diện với khó khăn, sợ hãi khi bị gặng hỏi. Chính vì tự thu mình trong thế giới tưởng tượng mà những đứa trẻ này sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ gắn kết, kỹ năng giao tiếp kém nên cuộc sống thường không có gì nổi trội. Ít tiếng nói, ít được để tâm tới, lâu dần họ tự cho rằng bản thân không có giá trị và chấp nhận an phận với lối sống khép kín đó.
Thân thiện, dễ gần, hiểu chuyện và vui vẻ là những tính từ nói về nhóm trẻ này. Từ nhỏ, chúng sẽ là người chuyên hòa hoãn và cố gắng đem lại sự bình yên cho người thân trong gia đình. Dù trong hoàn cảnh căng thẳng và bất lực, chúng cũng biến những lộn xộn đó thành một trận cười để xoa dịu những tổn thất tinh thần.
Vì có tính cách thân thiện, thích giúp đỡ người khác nên khi lớn lên, nhóm trẻ này thường được người xung quanh yêu quý và tin cậy. Họ không hay kể lể hoặc bi quan, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi và hơn hết, họ nghĩ giúp đỡ người khác sẽ khiến bản thân có giá trị.
Nhưng bên ngoài càng vui vẻ thì bên trong càng nhiều vụn vỡ. Dù có cố tỏ ra là mình ổn bằng năng lượng tích cực, thì ẩn sâu bên trong, nhóm trẻ này thường là những người mang nhiều suy tư, lo âu đau khổ và dễ có nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý nhất.
Không muốn ai phải biết mình sống trong một gia đình bất hòa, có bố mẹ nghiện ngập hoặc bạo lực, nên từ khi còn bé, những đứa trẻ này luôn giỏi che đậy sự suy sụp của bản thân hay rối loạn của gia đình để đảm bảo rằng ai nhìn vào cũng thấy chúng được sống trong một môi trường hạnh phúc, đủ đầy sự bao bọc.
Họ làm tất cả mọi việc, từ việc chăm sóc bản thân, tự học, tự yêu chính mình đến việc quan tâm cho những người thân đang gặp vấn đề về thể chất, tâm lý. Họ dường như là người chịu trách nhiệm cho mọi hành vi thiếu lành mạnh của một số thành viên khác trong gia đình.
Chính vì tính cách như “bảo mẫu”, nên không ai quan tâm họ nghĩ gì, muốn gì. Họ cứu rỗi mọi người nhưng không cứu được chính bản thân. Không ai hỏi xem họ có đang vui vẻ hay không hoặc chẳng ai biết được ước mơ, nguyện vọng thầm kín của họ là gì.
Họ nói những lời hay ý đẹp trên mạng xã hội, họ khuyên nhủ những người thân "đừng buồn bã nữa" và rồi "cố lên, mọi chuyện sẽ qua thôi". Nhưng khi cánh cửa phòng khép lại, họ cô độc. Vì không tìm ra lối thoát, nên có thể thấy những người trong nhóm hòa giải này sẽ có đặc điểm: nhiệt tình, vui vẻ, rất dễ đồng cảm với người khác khi khó khăn, chấp nhận thiệt thòi để làm hài lòng người khác... Bên cạnh đó, họ cũng thiếu quyết đoán, tự ti, lòng tự tôn thấp và "sao cũng được" là câu nói cửa miệng (3).
Mặc dù không thể lựa chọn gia đình và hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng mỗi cá nhân vẫn luôn có thể định đoạt được cuộc sống của mình khi trưởng thành. Đừng quá tự ti về bản thân, mỗi một người đều là một bông hoa, đều góp phần khiến cho thế giới này trở nên rực rỡ. Vẫn biết rằng mọi nghịch cảnh trên cuộc đời này sao có thể nói hết trong một lời, nhưng suy cho cùng, nếu mỗi ngày bạn luôn cố gắng quan tâm hơn về cảm xúc của chính mình thì cũng có lúc, bạn thật sự thấy vui vẻ. Niềm vui đó là từ chính bạn, không phải giả vờ, chẳng cần cố gắng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.