Nghệ thuật từ lâu đã được xem như một hình thức trị liệu đáng tin cậy trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và mức độ hạnh phúc của con người. Chúng ta đi đến bảo tàng, thưởng lãm những bức tranh, hòa cùng dòng chảy cảm xúc của nghệ sĩ và cảm thấy như được đón nhận những làn gió tươi mới.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, không chỉ trải nghiệm nghệ thuật ngoài đời mới đáng giá, ngắm tranh trên mạng, tương tác với nghệ thuật trực tuyến hay thực hiện các hoạt động sáng tạo nhỏ khác đều đem lại vô số lợi ích cho tinh thần.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Vienna, Viện Ngôn ngữ Tâm lý học Max Planck và Viện Thẩm mỹ học Thực nghiệm Max Planck đã tìm hiểu xem tương tác với tranh trên mạng liệu có đem lại hiệu ứng tâm lý giống với thưởng tranh ngoài đời (1). Họ quan sát hơn 200 người tham gia buổi triển lãm tương tác nghệ thuật trực tuyến về những bức tranh hoa súng của danh họa người Pháp Claude Monet. Triển lãm này do Google Arts & Culture tổ chức (bảo tàng số lưu giữ và giới thiệu những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của nhân loại).
Kết quả chỉ ra, chỉ sau vài phút thưởng ngoạn nghệ thuật online này, mọi người đã cảm thấy những thay đổi đáng kể trong tâm trạng và giảm bớt sự lo lắng. MacKenzie Trupp - tác giả của nghiên cứu tin rằng đây là một công cụ giúp nuôi dưỡng hạnh phúc chưa được khai thác nhiều, nhưng có thể cải thiện tinh thần chúng ta từng chút một và tạo ra nhiều niềm vui cùng ý nghĩa (2).
Các nhà khoa học phát hiện, một số cá nhân có khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt hơn, đồng nghĩa nhận được nhiều lợi ích hơn từ việc xem tranh. Điều này thể hiện qua khái niệm aesthetic responsiveness (tạm dịch: phản ứng đối với tính thẩm mỹ). Nhà nghiên cứu Edward A. Vessel giải thích về cụm từ này như sau: "Phản ứng thẩm mỹ miêu tả cách mọi người phản ứng trước các kích thích thẩm mỹ đa dạng, chẳng hạn như nghệ thuật hoặc thiên nhiên. Những người có trình độ nghệ thuật cao và mức độ phản ứng với thẩm mỹ cao thường hưởng lợi nhiều hơn từ việc xem tranh - nhờ có những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa khi tiếp xúc nghệ thuật" (2).
Hoạt động này đặc biệt hữu ích với những người không có điều kiện thường xuyên đi triển lãm. Trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số phát triển vượt bậc, việc đưa nghệ thuật đến gần với khán giả cũng trở nên phổ biến và đa dạng dưới nhiều hình thức. Chúng ta có thể xem tranh ảnh trực tiếp trên website, fanpage của các họa sĩ và tổ chức nghệ thuật.
Một nghiên cứu khác về hoạt động xem tranh kỹ thuật số cho thấy, chỉ 5 phút thưởng thức nghệ thuật online, người xem sẽ giảm được các trạng thái tiêu cực như cô đơn và lo lắng (3). Sự tương tác văn hóa này đem đến khả năng điều chỉnh tâm trạng và nhiều tác động tích cực khác cho lượng người xem tranh trực tuyến ngày càng tăng kể từ thời kỳ COVID-19.
Nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, giúp họ nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, cảm giác hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống. Một chuyến thăm quan ngắn tại bảo tàng nghệ thuật giúp chúng ta thư giãn sau một ngày căng thẳng, làm giảm nồng độ cortisol và chỉ số huyết áp. Các phòng tại bệnh viện có trưng bày tác phẩm nghệ thuật cũng khiến bệnh nhân hạnh phúc, giảm căng thẳng và ít dùng thuốc hơn so với bệnh nhân ở phòng không treo tranh ảnh (1).
Sáng tạo nghệ thuật là hình thức điều trị sức khỏe tâm thần tồn tại từ giữa thế kỷ 20, khi những người lính trở về sau Thế chiến II gặp phải tình trạng "sốc vỏ đạn" (shell shock) - hay còn gọi là hội chứng mệt mỏi sau chiến tranh (battle fatigue syndrome) hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder). Các cựu chiến binh vẽ, điêu khắc và tham gia vào các loại hình nghệ thuật khác để xử lý những gì đã chứng kiến và trải qua trong trận chiến.
Girija Kaimal, Chủ tịch Hiệp hội Trị liệu Nghệ thuật Hoa Kỳ (American Art Therapy Association) cho biết: "Những trải nghiệm như chấn thương rất khó diễn đạt thành lời, vì vậy các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân kết nối với hình thức biểu đạt phi ngôn ngữ (nonverbal expression) chính là nền tảng của những liệu pháp nghệ thuật mang tính sáng tạo" (4).
Không riêng nghệ sĩ mới có thể tham gia vào quá trình sáng tác, nghệ thuật giúp ích cho cả những người bình thường mà không cần đến tài năng. Dưới đây là gợi ý một số hoạt động nghệ thuật nhỏ để bạn tích hợp vào đời sống hằng ngày.
James S. Gordon, bác sĩ tâm thần đào tạo tại Đại học Harvard cho biết: "Nghệ thuật giúp chúng ta hiểu những gì đang xảy ra với chính mình và những gì cần làm với nó. Bạn không cần vẽ giỏi, chỉ vẽ dạng hình que (stick figures) cũng được" (5). Ba bức tranh cần vẽ bao gồm: (1) vẽ chính mình; (2) vấn đề lớn nhất của bạn; (3): khung cảnh sau khi vấn đề đã được giải quyết. Kỹ thuật này sẽ giúp chúng ta tự khám phá bản thân và cảm thấy tự chủ hơn trong quá trình chữa lành.
Nghiên cứu trên các sinh viên đại học và người lớn tuổi cho thấy, dành 20 phút để tô màu một bức tranh mandala (hình tròn với nhiều hoạt tiết phức tạp) giúp giảm cảm giác lo lắng hiệu quả hơn chỉ tô màu tự do trong cùng khoảng thời gian (6), (7). Nhà tâm lý học Susan Albers nhận định: "Khi tập trung vào kết cấu hoa văn và lựa chọn màu sắc phù hợp, chúng ta sẽ dễ loại bỏ những thứ gây phân tâm và kết nối với khoảnh khắc hiện tại" (5).
Nghe nhạc, chơi nhạc cụ hoặc ca hát đều có lợi. Âm nhạc giúp giảm căng thẳng vì các yếu tố như nhịp điệu, hợp âm và lời bài hát lặp đi lặp lại thu hút nhiều vùng não của chúng ta (8). Một nghiên cứu đã chứng minh ca hát có thể làm giảm lượng cortisol trong cơ thể. Ví dụ, những người mẹ mới sinh thường xuyên hát cho con nghe sẽ đỡ bị lo lắng hơn (9), (10).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.