"Con ngoan thì mẹ mới thương", "Con thi điểm cao thì ba mới mua món đồ chơi này"... là những lần cha mẹ vô tình đem những nhu cầu của con làm "vật đổi chác" cho tình yêu thương. Chính từ sự đổi chác đó, những "tình yêu thương có điều kiện" dần khiến trẻ mất đi tính chủ động và sẵn sàng về mặt cảm xúc để hiện diện cũng như đồng hành với cha mẹ. Cũng từ lúc đó, sự hiếu thảo của trẻ mất đi "tấm lòng".
Sau loạt bài đối thoại với AI (phần mềm trí tuệ nhân tạo) về lòng hiếu thảo và sự hàm ơn, ban đầu người viết cho rằng đó chỉ là những câu trả lời được tổng hợp từ các dữ kiện dựa trên tìm kiếm và hành vi của người dùng Internet. Tuy vậy, càng đi sâu vào những câu trả lời vô thưởng vô phạt đó, người viết nhận thấy nền tảng của sự hàm ơn vẫn chưa được làm rõ, và những câu trả lời của AI chỉ đang định nghĩa "hiếu thảo" thay vì "lòng hiếu thảo". Cụ thể, sự khác biệt về mặt từ ngữ giữa hai khái niệm chỉ là một chữ "lòng", nhưng sự cách biệt về thuộc tính và ý nghĩa, có lẽ, còn to lớn và sâu xa hơn thế.
Với những thôi thúc đó, người viết tìm đến bác sĩ (BS) Phan Thiệu Xuân Giang để tìm hiểu cặn kẽ hơn về nền tảng của chữ "lòng", đồng thời lắng nghe kiến giải cách nuôi dưỡng chữ "hiếu" trong xã hội hiện đại.
"Hiếu thảo" có nghĩa là yêu thương, chăm sóc, kính trọng ông bà cha mẹ. Nếu chỉ hiểu như thế thì chưa thấy được chữ "lòng", bởi "lòng hiếu thảo" còn bao hàm cả sự gắn kết tình cảm, sự chia sẻ qua lại, sự thấu hiểu nhu cầu của cha mẹ và chăm sóc họ đầy đủ, cũng như sự sẵn sàng hiện diện về mặt cảm xúc một cách trọn vẹn.
Để hiểu chữ "hiếu" một cách sâu xa và đủ đầy thì ta phải đi từ tình yêu thương vô điều kiện – của cha mẹ đối với ta và của ta đối với cha mẹ. Nếu coi hiếu thảo là bổn phận, ta chỉ hiểu được một phần của chữ hiếu do xã hội quy định mà thôi, chứ chưa thật sự hiểu được "lòng hiếu thảo".
Cái quan trọng nhất đối với một đứa trẻ vẫn là sự chú ý về mặt tình cảm, cảm xúc, vì đó là nhu cầu tự nhiên. Nếu nói là "phải hiếu" thì đó là một bổn phận, là trách nhiệm về mặt đạo đức hay pháp lý. Những thứ như nuôi dạy con phải A, chăm con theo kiểu B, cách yêu thương con nên là C... chỉ là những kỹ thuật, bước này bước nọ, quy luật nhân quả... gọi chung là những điều kiện, những sự đổi chác phải thực hiện để có được tình thương.
Trong khi tình thương thì không bao gồm chữ "phải", bởi bản chất của tình thương là vô điều kiện.
Nói cách khác, để có được "lòng hiếu thảo", động cơ xã hội bên trong trẻ cần được chú ý và nuôi dưỡng.
Đúng vậy. Không phải chỉ cần dạy là trẻ sẽ hiểu được lòng hiếu thảo. Chẳng hạn, khi nói "Tôi biết ơn anh" thì đó chỉ là biểu hiện bề ngoài, chưa thể hiện được cái "lòng" bên trong. Hoặc trong những câu ca dao như "Uống nước nhớ nguồn/Làm con phải hiếu"... thì chính truyền thống, dân gian, văn hóa bảo ta "phải nhớ nguồn, phải hiếu thảo" thay vì nói về "tấm lòng hiếu thảo". Khi ta lớn lên trong môi trường văn hóa đó, những cái "phải" đó truyền vào ta một cách vô thức.
Nhưng cái nền tảng để con người nảy sinh cái "lòng" và tự nguyện "hiếu thảo" với cha mẹ xuất phát từ tình yêu thương vô điều kiện và sự tự do hiện diện của trẻ. Và sự biết ơn đến từ lòng cảm kích thông qua việc được hiểu, được yêu thương, được quan tâm, nâng đỡ, hỗ trợ.
Lòng yêu thương vô điều kiện chính là nền tảng của lòng hiếu thảo mà nếu thiếu đi, đứa trẻ chỉ thực hiện chữ "hiếu" một cách "cơ giới", bề ngoài mà thôi. Còn sự tự do hiện diện ở đây nghĩa là bố mẹ tôn trọng và chấp nhận bản chất của trẻ như nó là (như đúng bản chất của trẻ - PV), mà không lợi dụng nhu cầu thương yêu của trẻ để đổi chác lấy hành vi mà cha mẹ mong muốn ở trẻ.
Ví dụ trẻ cười với cha mẹ, cha mẹ cũng cười đáp lại và khen trẻ, thì trẻ sẽ tiếp tục hành vi này ở những lần tương tác khác. Khi được sống trong một gia đình yêu thương vô điều kiện và cảm thấy tự do, thoải mái với sự hiện diện của mình trên cuộc đời, và từ đó, động cơ xã hội (social motivation) và động cơ làm chủ (mastery motivation) vốn sẵn có trong trẻ sẽ được nuôi dưỡng và phát triển toàn vẹn.
Còn khi sống trong môi trường thiếu thốn sự chăm sóc, bị đe dọa, bị lạm dụng, trẻ có thể sẽ cảm thấy stress, sợ hãi, từ đó khiến cho hai động cơ này bị ức chế. Kết quả là trẻ không được tạo điều kiện để học được kỹ năng xã hội và không chủ động khám phá môi trường, cũng như không chủ động học hỏi và làm chủ các kỹ năng.
Những hành vi 'báo hiếu' hình thức giống như một tấm ván cứu rỗi người ta, hoặc nói trống trơn là đạo đức trên bề mặt, là kết quả của việc động cơ xã hội và động cơ làm chủ không được nuôi dưỡng. Thế nên, chữ 'hiếu' kia chỉ được thực hiện một cách cơ giới, hình thức, vận hành theo luật lệ chứ thiếu đi cái 'lòng'. Phải đi từ tấm lòng và tình yêu thương vô điều kiện mới ra được cách cư xử, hành vi bề ngoài. Chữ 'hiếu' đến từ đấy.
Những câu hỏi đúng cần đặt ra là liệu con người có động cơ để yêu thương người khác không? Có động cơ để chia sẻ với người khác? Có ý muốn tự nhiên để hướng tới người khác và chăm sóc họ không hay không?
Lòng biết ơn rộng hơn lòng hiếu thảo. Lòng biết ơn thì mở rộng với tất cả mọi người, còn lòng hiếu thảo thì bó hẹp với bậc nuôi dưỡng mà thôi. Suy cho cùng, chúng ta chỉ đang bàn về khái niệm, để biết khái niệm nào có trước thì tôi nghĩ nên đi từ gốc rễ bản tính con người. Hay nói cách khác, ta cần hiểu rõ động cơ xã hội và động cơ làm chủ.
Động cơ xã hội là sự thôi thúc quan tâm, nối kết với người khác thông qua việc chia sẻ qua lại cũng như nhận biết và đáp ứng tín hiệu với người khác. Còn động cơ làm chủ liên quan đến sự tò mò muốn khám phá môi trường mới, học cách làm chủ các kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ.
Hai động cơ này vốn có sẵn trong mỗi người chúng ta. Khi được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, động cơ xã hội sẽ được tạo điều kiện để phát triển thành các kỹ năng và cách thức cư xử theo hướng nhạy bén và thấu cảm được người khác. Còn động cơ làm chủ sẽ giúp trẻ rèn luyện được sự kiên trì dù gặp thất bại, sự chủ động giải quyết vấn đề, hoàn thành bổn phận.
Đây mới là cơ sở của cả hai khái niệm biết ơn và hiếu thảo. Chính người chăm sóc sẽ thúc đẩy hai động cơ ấy hình thành nên lòng biết ơn và lòng hiếu thảo.
Như vậy, công nuôi dưỡng cũng quan trọng không kém, và sự nuôi dưỡng cần phải tương hợp vơi bản chất tự nhiên của trẻ.
Chắc chắn là gặp khó khăn rất nhiều rồi. Trẻ tự kỷ kém về động cơ xã hội và kém về gắn kết xã hội. Trẻ không hiểu các nguyên tắc và biểu tượng xã hội; có trẻ còn không quan tâm, không chia sẻ qua lại hoặc để ý tới người khác, nếu có thì cũng rất hạn chế.
Trong khi đó, trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder - ADHD) thì có khả năng kiềm chế kém nên những hành vi tuân thủ, hợp tác, giúp đỡ nhau cũng kém theo. Trẻ cũng sẽ hay đòi theo ý muốn, xung động của mình, nên dễ có những hành vi mang tính chống đối hoặc có vấn đề về cư xử đối với người chăm sóc.
Đối với trẻ có ADHD, cho dù động cơ xã hội vẫn còn nhưng có thể do hệ thống kềm chế hành vi kém, chức năng điều hành kém, trẻ khó kềm chế được xung động nên khó nhường nhịn, không biết hoạch định, khó đáp ứng phù hợp và linh hoạt, hay đòi hỏi và gây phiền người khác. Còn đối với trẻ tự kỷ có thể do hoạt động của hệ thống Oxytocin và ADH (antidiuretic hormone) của thùy sau tuyến yên trong việc hình thành mối liên hệ xã hội, sự gắn kết thân tình. Về mặt tâm lý, trẻ có thể không có khả năng suy đoán dựa trên tâm trí người khác (theory of mind – PV). Những nguyên do này đều có thể khiến quá trình phát triển động cơ xã hội ở trẻ bị ảnh hưởng.
Khi trẻ không thể đoán biết được nỗi đau của người khác, không quan tâm hay thấu hiểu suy nghĩ của người khác để từ đó điều chỉnh hành vi của mình, thì khả năng thấu cảm ở trẻ sẽ khó được hình thành. Và khi đó, lòng hiếu thảo hay lòng biết ơn đều khó phát triển lành mạnh được.
Song, nếu được can thiệp sớm thì trẻ rối loạn phát triển thần kinh cũng có thể học được, nhưng cũng tùy trẻ. Chẳng hạn, có những trẻ mà tôi thăm khám và nghiên cứu can thiệp cũng phát triển và bày tỏ hành vi âu yếm, thể hiện tình cảm và sự quan tâm đến người thân và người can thiệp.
Với phụ huynh bạo hành thì trẻ khó phát triển lòng hiếu thảo, bởi gia đình là chiếc nôi dung chứa để phát triển lòng yêu thương vô điều kiện và sau đó là lòng biết ơn/lòng hiếu thảo ở trẻ. Nếu ngay từ cái nôi đã có vấn đề thì trẻ sẽ khó có cơ sở để phát triển lòng biết ơn/lòng hiếu thảo một cách lành mạnh được.
Trong những gia đình có cha mẹ mâu thuẫn với nhau , đứa trẻ nằm ở thế trung gian, phải làm "trọng tài" cho cha mẹ. Khi đó chữ hiếu bị cân đo đong đếm theo nghĩa "theo cha thì bỏ mẹ, theo mẹ thì bỏ cha". Lúc này, trẻ sẽ muốn theo người đối xử tử tế và có gắn kết cảm xúc mạnh với trẻ và chữ hiếu có thể đã bị thiên lệch.
Trong nhiều gia đình, nhiều trẻ thường chọn theo người mẹ, vì tính chăm sóc, dung chứa của người phụ nữ là rất lớn, khi mà họ thực sự đã từng "chứa đựng" đứa con trong bụng. Tuy nhiên, có những bà mẹ cũng gặp khó khăn về tâm lý, có thể có sự khó chịu, căng thẳng, thù hằn hay bạo lực khi chăm sóc con ngay từ trong bụng mẹ, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của mối quan hệ với trẻ, thay vì là nguồn nuôi dưỡng, chăm sóc an toàn thì mẹ cũng có thể là nguồn gây căng thẳng, lo lắng cho trẻ.
Nếu ngay từ chính cái nôi bao bọc ấy đã có vấn đề, thì làm sao trẻ hình thành được khả năng bảo bọc, dung chứa người khác?
Nếu những chuẩn mực và đòi hỏi mà ta áp đặt lên đứa trẻ không phù hợp với bản chất của trẻ thì đều tạo ra xung đột, và đứa trẻ sẽ lớn lên trong sự mâu thuẫn. Bởi bản chất của đứa trẻ khi sinh ra là chưa thể chủ động, phụ thuộc vào người chăm sóc về ăn uống và tình cảm. Trong khi vai trò của người chăm sóc là chủ động.
Trong tâm lý học phát triển, đứa trẻ hình thành nên mối gắn bó với người chăm sóc đầu đời thông qua sự hiểu biết, sự nhạy bén và tính sẵn sàng đáp ứng của người chăm sóc. Khi cha mẹ hiểu được nhu cầu của đứa trẻ, đáp ứng phù hợp nhu cầu đó, và thông qua sự đáp ứng đó mà dạy đứa bé đúng theo bản chất tự nhiên của nó, thì đứa trẻ đứa trẻ dễ dàng chú ý trọn vẹn và nối kết cảm xúc đầy đủ với cha mẹ.
Lúc đó, cha mẹ có thể dạy trẻ những giá trị về lòng hiếu thảo, và trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ và sẵn lòng đáp ứng với các giá trị cha mẹ truyền dạy một cách tự nguyện, tự nhiên.
Không phải vì cha mẹ cho con vật chất, mà nghĩ rằng cha mẹ đang tốt với con. Trái lại, chính sự gắn bó an toàn, sự chia sẻ tình cảm qua lại và sự hiện diện về cảm xúc của cha mẹ mỗi khi đứa trẻ cần đáp ứng nhu cầu mới vun vén cho sự phát triển của lòng cảm thông và sự tuân thủ một cách có cam kết và sẵn sàng ở trẻ.
Tóm lại, sự hiện diện về cảm xúc của cha mẹ có giá trị hơn cả.
Vẫn có khả năng đó, nhưng cũng có thể chữ hiếu sẽ mang nét nghĩa là bổn phận, tức phải hiếu. Có thể một người vẫn có hành vi hiếu thảo, nhưng họ không có tính sẵn sàng, tức là cái "lòng". Do người đó đang sống trong cái "siêu tôi", với những giá trị mà xã hội áp đặt và họ buộc phải tuân theo.
Ngoài ra, chữ hiếu cũng khác nhau ở các nền văn hóa. Như ở phương Tây, họ quan trọng tính thực tế, còn ở phương Đông thì đặt nặng tính trách nhiệm hơn, có khi là hình thức nhiều hơn.
Thật ra là có thể có hoặc không. Có trẻ sống trong gia đình không lành mạnh nhưng vẫn có thể sau này quay lại báo hiếu, chăm sóc cha mẹ. Cũng có trẻ sau này trở nên ngỗ nghịch vì học theo thói xấu bên ngoài.
Không phải vì cha mẹ cho con vật chất mà nghĩ rằng cha mẹ đang tốt với con. Trái lại, chính sự gắn bó an toàn, sự chia sẻ tình cảm qua lại sẽ giúp trẻ tiếp nhận các giá trị, các kỹ năng một cách tự nguyện và cùng chia sẻ các giá trị đó với cha mẹ. Khi gặp những thói xấu bên ngoài, cái nền tảng đó có thể giúp ta điều tiết, điều chỉnh lại bản thân.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị
Mọi người đều đọc