Cách chấm điểm trong thi đấu MMA: Liệu có quá cảm tính?

Khi nhà vô địch môn jiu-jitsu người Brazil Oliveira thua võ sĩ Việt Nam, nhiều khán giả và giới chuyên môn đã đặt dấu chấm hỏi về sự công bằng ở cách chấm điểm trong thi đấu MMA.

Chia sẻ
Cách chấm điểm trong thi đấu MMA: Liệu có quá cảm tính?
stroke line

Môn thể thao ra đời từ 3.000 năm trước


lelajournal


MMA (Mixed Martial Arts) có nguồn gốc từ các cuộc đấu tay đôi giữa những võ sĩ từ các nền văn hoá khác nhau (2). Theo các nhà nghiên cứu, hình thức MMA sớm nhất có thể đã bắt đầu vào 3.000 năm trước với tên gọi Pankration (tiếng Hy Lạp nghĩa là: Toàn bộ khả năng). Bộ môn này từng được chọn thi đấu tại Thế vận hội Olympic lần thứ 33 vào năm 648 trước Công nguyên và thịnh hành đến mức người Hy Lạp mở ra những ngôi trường chuyên dạy Pankration.


Cuộc chinh phạt năm 146 (trước Công nguyên) dẫn đến sự sáp nhập của Hy Lạp vào La Mã đã đặt dấu chấm hết cho môn Pankration. Những vận động viên Pankration chuyên đấu kháng tay đôi không còn đất dụng võ trong các đại hý trường (colosseum) của người La Mã. Từ đó, bộ môn này dần biến mất (3).


lelajournal


Năm 1993, công ty UFC bắt đầu đứng ra tổ chức các cuộc đối đầu giữa các võ sĩ có sự kết hợp từ nhiều môn võ thuật.


Lúc này thi đấu MMA chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần "lên sàn - đánh nhau", và chỉ tận dụng luật cấm từ những bộ môn đối kháng trước đó mà không hề có hình thức chấm điểm chính thức nào. Do đó, trận đấu MMA chỉ có thể kết thúc theo ba cách: Bị knockout (K.O), bị khoá tới không thể tiếp tục, hoặc xin dừng trận đấu ở góc đài. Những điều này đã khiến MMA trở thành một "loại hình giải trí bạo lực" hơn là một môn thể thao đối kháng trong mắt các nhà làm luật tại Mỹ.


Hiểu được vấn đề này, đội ngũ phát triển của UFC đã quyết định đưa MMA lên tầm thể thao thực sự bằng một bộ luật tính điểm, hơn là tiếp tục duy trì bộ môn này như một hình thức thi đấu võ thuật "nguyên thuỷ".


lelajournal


Hệ thống tính điểm


Sự ra đời của các quy định cũng rất phức tạp và "truân chuyên" do các trận đấu được tổ chức ở nhiều quốc gia và bao gồm các bộ môn khác nhau. Hiện nay, cách tính điểm MMA dựa trên một bộ luật hợp nhất được Uỷ ban Hiệp hội Boxing thông qua vào năm 2019 (4).


Theo đó, cách chấm điểm trong thi đấu MMA được tính theo hệ thống 10 điểm, được quyết định bởi ba giám khảo trong tất cả các trận đấu MMA. Trong trường hợp có những hành động vi phạm quy tắc, võ sĩ đó sẽ bị trừ điểm. Điểm sẽ được tính riêng theo từng hiệp, sau khi tất cả các hiệp kết thúc (thường là ba hiệp, mỗi hiệp năm phút), người có số điểm cao hơn sẽ giành chiến thắng. Nếu cả hai võ sĩ đều có cùng số điểm, thì trận đấu được xác định là hòa. Riêng các trận chung kết sẽ có năm hiệp.



lelajournal
Hệ thống chấm điểm của MMA được đánh giá dựa trên độ hiệu quả của các kỹ năng: Striking, grappling, khả năng kiểm soát trên sàn đấu, tần xuất ra đòn và khả năng phòng thủ.
  • Striking: được công nhận dựa trên số lượng đòn đánh trúng đích, đạt hiệu quả, gây sát thương cho đối thủ.
  • Grappling: được tính dựa trên việc thực hiện thành công các pha quật ngã (takedown), cũng như cản phá, lật ngược tình thế. Ví dụ, khi võ sĩ thực hiện pha quật ngã thành công, phá được thế phòng thủ (guard) của đối thủ để chiếm thế thượng phong. Hoặc trường hợp võ sĩ nằm dưới nhưng vẫn có thể sử dụng những tư thế phòng thủ để gây hại cho đối phương.
  • Kiểm soát sàn đấu: được tính khi các võ sĩ có khả năng chủ động tạo nhịp độ cho trận đấu, kiểm soát vị trí trận đấu trên sàn. Ví dụ, võ sĩ vô hiệu hoá được đòn quật ngã của đối thủ, để duy trì các tình huống đánh đứng, phá các thế phòng thủ và tạo ra nhiều cơ hội ra đòn.
  • Tần xuất ra đòn thành công được tính khi võ sĩ có xu hướng ép sân, có mật độ ra đòn thành công cao.
  • Khả năng phòng thủ được công nhận khi võ sĩ có thể thoát được những tình huống nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng phản công mà không có xu hướng bỏ chạy.


lelajournal


Từ những tiêu chí đánh giá trên, hội đồng giám khảo sẽ có bốn cách chấm điểm như sau (5).

  • Tỉ số 10-10 được đưa ra khi hai võ sĩ đều có những màn "ăn miếng trả miếng" ngang nhau, không ai có sự vượt trội hơn so với đối thủ.
  • Tỉ số 10-9 được chấm khi một trong hai võ sĩ nhỉnh hơn đối phương một kỹ năng cụ thể như striking hay grappling.
  • Tỉ số 10-8 xuất hiện khi một trong hai võ sĩ cho thấy được sự áp đảo so với đối thủ và kiểm soát tình thế bằng striking, grappling, hoặc trong hiệp đấu đó có tình huống hạ gục đối thủ (nhưng đối thủ vẫn có thể tiếp tục thi đấu ở hiệp sau).
  • Tỉ số 10-7 đưa ra khi một trong hai võ sĩ có kỹ năng về striking, grappling hoàn toàn vượt trội so với đối thủ.

Bên cạnh đó, trong trường hợp võ sĩ bị hạ gục bằng knock-out (K.O), liên quan đến knock-out (T.K.O) không thể tiếp tục trận đấu hoặc đầu hàng thì trận đấu sẽ kết thúc ngay lập tức và người chiến thắng sẽ được xác định theo cách này.


Cách tính điểm trên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, kỹ thuật, cách thể hiện và ứng phó với các tình huống trên sàn đấu của các võ sĩ. Đây là một việc làm rất thông minh khi vừa duy trì được tính thực chiến, hiệu quả cũng như tính giải trí của các trận đấu MMA, lại vừa đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn.


Tuy nhiên, cũng chính vấn đề này đã dẫn đến những đánh giá chung chung, thiếu chính xác và có phần cảm tính vì những điều mục trên là chưa đủ để lột tả được chính xác những diễn biến trong một trận đấu MMA, bộ môn thi đấu đối kháng kết hợp có tính đa dạng cao.


Luật tính điểm của MMA đã được quy định và sử dụng rộng rãi trong toàn bộ các giải đấu MMA chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với sự phát triển của các bộ môn thi đấu đối kháng tổng hợp, các quy định - hệ thống chấm điểm vẫn đang được UFC cải tiến và điều chỉnh để phù hợp hơn với hầu hết các tình huống trên sàn đấu, để từ đó có được kết quả công bằng nhất.

Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Rèn Luyện?

Kỹ thuật rèn luyện chuyên môn và các chương trình duy trì thể chất bài bản

Khám phá thêm
vector
Nguyễn Tấn Lộc
Nguyễn Tấn Lộc