LeLa hướng dẫn cách pha một ấm bạch trà ngon tuyệt hảo.
Bạch trà được phát hiện ở Trung Quốc, vào thời nhà Đường, từ năm 608 đến năm 907. Thời điểm ấy, việc thu hoạch bạch trà khó khăn hơn nhiều do thiếu kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Dòng trà này cũng chỉ được phục vụ riêng cho hoàng đế, giới quý tộc trong triều đình. Trong một thời gian dài, những người ngoài tầng lớp quý tộc không có cơ hội tiếp cận bạch trà. Ngày nay, dù dòng trà này vẫn còn tương đối đắt đỏ nhưng cả phương Đông lẫn phương Tây đã và đang tiếp cận rộng rãi.
Lá trà trắng được hái khi còn non (vừa nhú từ cây). Lá được tuốt rồi sấy hoặc phơi nắng chứ không qua công đoạn lên men như trà xanh và trà ô long. Phương pháp này tạo ra dòng bạch trà mang hương vị nhẹ nhàng, trong trẻo và thanh ngọt như trái cây và hoa.
Thu hoạch chồi và lá non là quy trình tốn kém công sức và thời gian. Thường những lá non này chỉ xuất hiện trong 3 ngày đầu thu hoạch, được bao phủ bởi một lớp lông mịn màu trắng vô cùng giá trị. Vì thế, việc chế biến bạch trà sao cho không làm mất đi những sợi lông này là hết sức quan trọng. Do đó, loại trà trắng cao cấp thường đắt đỏ và bị giới hạn về số lượng.
Bên cạnh đó, phơi nắng lá trà phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đòi hỏi công sức và thời gian. Điều này càng lý giải thêm về sản lượng ít ỏi của bạch trà.
Cũng giống như trà ô long, bạch trà có thể hỗ trợ giảm cân, cải thiện cholesterol, ức chế sự phát triển của ung thư, giảm hôi miệng, bảo vệ răng, ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Tuy nhiên, bạch trà lại chứa caffeine ít hơn các dòng trà khác như ô long hay phổ nhĩ, chỉ từ 6-55 mg/250ml nước, nên đây là lựa chọn lý tưởng hơn cho người yêu trà mà lại nhạy cảm với chất này (2). Thời gian pha và ngâm trà càng ngắn thì hàm lượng caffeine sẽ càng ít lại.
Bạc Kim (Silver Needle): Là loại trà trắng hiếm nhất và nổi tiếng nhất. Trà Silver Needle chỉ bao gồm những chồi non mới nhú, mang hương vị ngọt ngào tinh tế.
Bạch trà Mẫu đơn (White Peony): Giống này bao gồm chồi và một vài lá đầu tiên của thân, ít giá trị hơn Silver Needle và có hương vị mạnh hơn.
Bạch trà Mi Triều Cống (Tribute Eyebrow): Gồm những lá dài hơn, mỏng, hình lưỡi liềm như hình dáng lông mày. Loại trà này có hương vị ẩm ướt như mùi đất sau mưa, và có quy trình chế biến đơn giản hơn Silver Needle và White Peony.
Bạch trà Mi Trường Thọ (Long Life Eyebrow): Tương tự như Tribute Eyebrow, nhưng Long Life Eyebrow có vị nhạt hơn và quá trình chế biến ngắn hơn.
Darjeeling White: Được trồng ở Ấn Độ, loại trà này bình dân hơn và phổ biến hơn các loại trà trên.
White Peony và Silver Needle là hai dòng bạch trà có hương vị tinh tế được người sành trà quốc tế yêu thích.
Trà trắng có nguồn gốc cổ thụ nên búp trà to, vì thế khi dùng ấm, hãy chọn loại ấm miệng rộng để dễ dàng lọc bỏ bã trà về sau. Bạch trà có mức độ oxy hóa thấp, bạn hãy dùng chén nhỏ để có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị thanh nhẹ với hậu vị ngọt ngào.
Bạch trà phù hợp với thời tiết nóng, nên dùng vào buổi sáng, sau khi ăn 30 phút. Có thể bảo quản dòng trà này nơi kín, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Nếu muốn giữ lâu, hãy cất vào ngăn mát tủ lạnh hay tủ đông.
Dụng cụ:
1. Nên dùng nước lọc hoặc nước suối tinh khiết để pha bạch trà, tránh làm mất đi hương vị tinh tế nhẹ nhàng của trà trắng. Sau khi đun sôi nước, nhớ chờ nước nguội bớt, trong vòng 5 – 8 phút.
2. Trong lúc chờ đợi, hãy bỏ 2 thìa cà phê bạch trà (dùng cho 180ml nước) vào ấm.
3. Từ từ rót 180ml nước nóng vào ấm trà và ngâm trong vòng 1 – 5 phút. Thời gian ngâm lâu hơn, vị bạch trà sẽ đậm đà hơn. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nếm trà từ thời điểm 1 phút và thử lại sau mỗi 30 giây để tìm ra hương vị vừa ý nhất với mình.
4. Trong thời gian ngâm trà, bạn cũng hãy làm ấm chén trà bằng cách đổ nước nóng vào mỗi chén, xoay nhẹ và đổ bỏ. Điều này sẽ giúp nâng tầm trải nghiệm thưởng trà, đảm bảo trà không bị thay đổi nhiệt độ khi bạn rót vào chén.
5. Thưởng trà. Từ từ rót hết bạch trà từ ấm sang bình phục vụ rồi rót vào chén của mỗi người. Dùng hai tay cầm chén nhẹ nhàng, đưa lên gần mũi để ngửi mùi hương hoa nhẹ nhàng, thấy được màu nước trà vàng xanh, rất sáng và tươi. Nếm ngụm trà đầu tiên thanh nhẹ và cho hậu vị dịu ngọt trong trẻo.
Lưu ý: Trong lúc rót hết trà từ ấm sang bình phục vụ, bạn có thể rót nước nóng (khoảng 75 độ C) vào ấm trà để tận hưởng lớp hương vị tiếp theo. Thời gian ngâm lần sau nên lâu hơn lần trước 30 giây. Một ấm bạch trà có thể pha từ 4 - 5 lần.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an