Trong vài năm gần đây, cộng đồng mạng rộ lên khái niệm "tính nữ đen tối" (dark femininity) và "tính nữ trong sáng" (light femininity). Tuy nhiên, ẩn sau trào lưu mới nổi trên mạng xã hội này là những suy nghĩ thiếu lành mạnh về tính nữ và phong cách cá nhân.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện ngày một nhiều những đoạn video được gắn mác "dark feminine" (tạm dịch là “tính nữ đen tối”). Những video này thường có nội dung như dưới đây:
"Làm sao để khai thác sự ma mị, bí ẩn trong bạn?"
"Đừng tỏ ra quan tâm, đàn ông mới chạy theo bạn".
"Hãy nhắn tin với anh ta trong một tuần, sau đó ngó lơ, ghost tin nhắn rồi lại quay lại để làm anh ta ám ảnh với bạn".
Theo đó, tác giả - chủ nhân của những video này thường cung cấp một cách chi tiết các "phương pháp" để thu hút nam giới. Chẳng hạn, họ kêu gọi phái nữ trở nên bí ẩn bằng cách không tiết lộ nhiều về bản thân, hay tỏ ra thờ ơ, lạnh lùng và không quan tâm đến đàn ông qua những hành động như đột ngột biến mất khi đang tìm hiểu và rồi quay lại như không có chuyện gì xảy ra. Theo đó, sự thờ ơ sẽ "kích hoạt" bản tính chinh phục của nam giới, khiến họ bị thu hút và "quỳ xuống, cầu xin tình yêu" từ phái đẹp (1).
Hiện tại, từ khóa "dark feminine" đã đạt tới 2,5 tỷ lượt xem trên nền tảng TikTok và xuất hiện với tần suất đặc biệt dày đặc trong vài tháng trở lại đây (2).
Nhưng đó có phải là ý nghĩa thật sự của "dark feminine"?
"Dark feminine" là một khái niệm mới xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây, tập trung vào khía cạnh mạnh mẽ, quyết đoán và tự tin - một phần nào đó tương đồng với khái niệm "tính nam" hay "cực dương" mà xã hội quy định. Theo đó, năng lượng "dark feminine" khiến hình ảnh của phái nữ trở nên quyền lực, độc lập và không bị gò bó vào tiêu chuẩn của xã hội - nơi đề cao vai trò của nam giới và đầy rẫy sự phân biệt giới tính.
Có thể thấy rằng "dark feminine" là một khái niệm mang hàm ý tích cực, được hình thành nhằm cổ vũ nữ giới có được sự tự tin và yêu thương bản thân.
Một số nhân vật được lấy làm hình mẫu của phong cách này bao gồm nhân vật Morticia Addams trong series Wednesday (2022) hay các phần phim The Addams Family, Jennifer Check trong bộ phim Jennifer’s Body (2009), nhân vật Malèna do Monica Bellucci thủ vai trong bộ phim Malèna (2000), hay cả người nổi tiếng như nữ diễn viên Angelina Jolie...
Một ví dụ tiêu biểu về "dark feminine" có lẽ là đoạn cắt bài phỏng vấn đã trở nên "viral" của nữ ca sĩ Cher, với nội dung như sau:
Mẹ tôi nói với tôi: "Con biết không, con yêu à, cũng phải đến ngày con cần ổn định và cưới một người chồng giàu". Và tôi trả lời: "Mẹ à, con là một người giàu".
[My mom said to me, ‘you know sweetheart, one day you should settle down and marry a rich man.’ And I said, ‘Mom – I am a rich man.’]
Độc giả có thể xem đoạn cắt này dưới đây (video bằng tiếng Anh):
Từ đây, có thể thấy rằng "dark feminine" vốn không phải là để "đè bẹp" hay "thu hút" đàn ông, mà chỉ đơn giản là cổ vũ phụ nữ hãy dũng cảm nuôi dưỡng sự mạnh mẽ trong mình, cũng như quyền làm chủ đời sống cá nhân, giống như các nhân vật nữ cường vậy.
Tuy nhiên, trong những đoạn video được nhắc đến ở đầu bài viết, "dark feminine" hiện nay đang phần nào bị hiểu theo một cách sai lệch. Theo cách hiểu lệch lạc này, tính nữ đen tối được sử dụng như một "công cụ" thu hút sự chú ý và thậm chí là thao túng tâm lý người khác. Thay vì đặt người phụ nữ làm trung tâm, những video này lại lấy việc thu hút sự chú ý, ánh nhìn của nam giới (male gaze) làm mục tiêu. Khi ấy, các mối quan hệ trở thành trò chơi hơn - thua, người trong cuộc chỉ tập trung trở thành người chiến thắng hoặc chạy theo đáp ứng tiêu chuẩn của đối phương.
Điều này đi ngược lại chính lời kêu gọi trở nên tự tin, mạnh mẽ thể hiện bản thân của "dark feminine".
Không dừng lại ở đó, một vài đoạn video theo trào lưu này còn bày tỏ cái nhìn tiêu cực với phong cách đối lập - "light feminine" (tạm dịch là "tính nữ trong sáng"), đặc trưng bởi tính nữ mềm mại truyền thống. Nữ minh tinh Marilyn Monroe được coi như đại diện tiêu biểu của phong cách này.
Tuy nhiên, theo những nội dung sai lệch, "light feminine" bị cho là biểu hiện của sự yếu đuối và kém cỏi, còn "dark feminine" mới là vượt trội, thượng đẳng. Điều này tạo ra những mâu thuẫn không đáng có giữa nữ giới với nhau, thay vì đi theo tinh thần "phụ nữ ủng hộ phụ nữ".
Trên thực tế, "tính nữ trong sáng" (light feminine) chỉ đơn thuần là cổ vũ người phụ nữ nuôi dưỡng vẻ mềm mại, yểu điệu, thậm chí có phần "bánh bèo" của mình. "Dark feminine" và "light feminine" chỉ là hai chiều kích chứ không hẳn là hai đặc điểm "đối chọi" và hơn thua nhau.
Điều này có nghĩa là một người mạnh mẽ vẫn có thể có nét yểu điệu và người có vẻ ngoài mềm yếu cũng không hẳn là không bao giờ mạnh mẽ.
Một lần nữa, trào lưu này lại khiến chúng ta đặt câu hỏi về tác động của mạng xã hội lên nhận thức về vẻ đẹp bên ngoài, đặc biệt là nhận thức của người trẻ. Khi tổng hợp các nghiên cứu về chủ đề này, Giáo sư Richard M. Perloff nhận thấy rằng mạng xã hội gây nên tác động tiêu cực đến cách giới trẻ nhìn nhận bản thân. Cụ thể, nữ giới sẽ tự đánh giá thấp ngoại hình bản thân, trong khi nam giới đánh mất sự tự tôn của mình (3).
Mặt khác, trong một nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội đến tâm trạng và nỗi lo lắng về hình thể cá nhân, học giả Fardouly đã nhận thấy rằng việc tiếp xúc với những bức ảnh về vẻ đẹp "tiêu chuẩn", như dáng người dong dỏng cao hay thân hình "đồng hồ cát", sẽ làm giảm sự tự tin vào bản thân và làm tăng cảm xúc tiêu cực ở nữ giới (4). Trong nghiên cứu của Fardouly, những người tham gia thực nghiệm là nữ giới trong độ tuổi 18 - 25, trùng hợp đây cũng là nhóm đối tượng của những video gắn mác "dark feminine" trên TikTok nói trên.
Những người ở lứa tuổi này vẫn đang trong hành trình tìm hiểu và "định hình" bản thân, thậm chí là chịu khủng hoảng căn tính (identity crisis) (5). Họ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, như là hình mẫu từ những trào lưu trên mạng xã hội.
Thực tế, phong cách "dark feminine" hay "light feminine" cũng chỉ là những khuôn mẫu và chẳng có khuôn mẫu nào là chính xác tuyệt đối. Việc tự gò ép bản thân vào một khuôn mẫu vô tình lại khiến chúng ta bị kìm hãm trong việc thể hiện và phát triển bản thân. Chúng ta thay đổi bản thân để phù hợp với hình mẫu mình đang hướng tới, thậm chí từ bỏ cá tính riêng nếu nó đi ngược lại khuôn mẫu đó.
Nói cách khác, nếu cứ "đu theo" những trào lưu đó, chúng ta dần không chấp nhận bản thân, trong khi việc thể hiện con người thật mới là nền tảng của sức khỏe tinh thần lành mạnh và một cuộc sống hạnh phúc (6), (7).
Thêm nữa, tuy "dark feminine" và "light feminine" là hai phong cách đối lập, nhưng chúng có thể tồn tại song song, tương tự như tính nam và tính nữ hay cực âm và cực dương. Có thể ngày hôm qua bạn ra đường với vẻ "dark feminine", hôm nay lại muốn khoác lên mình bộ cánh công chúa, bánh bèo của "light feminine".
Vì vậy, thay vì đi theo một phong cách duy nhất, sẽ tốt hơn hết nếu chúng ta có thể cân bằng và dung hòa những mặt đối lập trong con người mình, đồng thời học cách trân trọng căn tính (identity) của chính mình.
Đến cuối cùng, việc theo đuổi phong cách nào là lựa chọn của mỗi cá nhân. Không có phong cách nào là hoàn toàn đẹp hay xấu. Điều duy nhất chúng ta cần nhớ là tất cả những phong cách này rốt cuộc cũng chỉ là những cái tên, và chúng không thể thay chúng ta định nghĩa giá trị thật sự của bản thân hay thay tên đổi họ của chính chúng ta.
Để khám phá ra phong cách phù hợp với bản thân, không có cách nào tốt hơn việc… thử nghiệm. Trong tiến trình thử, thay vì tuyệt đối "làm theo hướng dẫn", bạn có thể tự điều chỉnh từng phong cách sao cho phù hợp nhất với mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.