Có kỳ hạn nào giữa hẹn hò và yêu đương chính thức hay không? Làm sao để biết khi nào thì mối quan hệ chuyển từ "dating" sang "in relationship"? - Các nhà tâm lý học có câu trả lời cho vấn đề này: Định luật 3-6-9 tháng đầu "lúc mới yêu".
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng "mới yêu" được xem như một cảm giác nội tại thay vì một tuyên bố xác định về tình cảm, hay nói cách khác, "lúc mới yêu" chưa thực sự được tính là yêu chính thức.
Theo lý thuyết này, dựa vào những dấu hiệu xảy ra trong 6 tháng đầu hẹn hò, bạn sẽ biết mình có muốn tiến vào mối quan hệ cam kết với người đang hẹn hò hay không. Và 6 tháng đầu tiên khi vừa mới cặp kè thì chưa được xem là "tình yêu đích thực", mà chỉ là một chuỗi cảm xúc nhớ nhung, ham muốn và thôi thúc có thêm những buổi hẹn hò để tìm hiểu kỹ hơn về đối phương. Cũng chính vì điều này mà chúng ta quan sát thấy có nhiều cặp đôi "gãy gánh hẹn hò" vì bất hòa trong quan điểm sống trước thời điểm 6 tháng quen nhau, dù một trong hai đã tỏ tình thành công. Theo nghiên cứu của Mark Attridge và cộng sự năm 1995 về các cặp vợ chồng, mối quan hệ tiến tới giai đoạn ổn định và cam kết sau khoảng 6 – 7 tháng kể từ lúc quen nhau (1).
Điều này xảy ra khi cả hai đều thấy được sự cam kết của đôi bên, sự công bằng, sự đầu tư vào mối quan hệ cũng như không thấy được lựa chọn nào tốt hơn đối tác của mình (1).
Vậy, từ hẹn hò chuyển sang yêu nhau chính thức phải trải qua những giai đoạn nào? Và làm sao để đánh giá một cách khách quan liệu cả hai có muốn cùng nhau tiến tới hạnh phúc lâu dài hay không? Bài viết này sẽ cùng bạn trả lời những câu hỏi ấy.
Nguồn gốc của quan niệm "6 tháng đầu mới yêu chưa phải là tình yêu đích thực" bắt nguồn từ lý thuyết 3 giai đoạn tình yêu của nhà tâm lý học John Gottman (2). Theo đó, ông cho rằng có ba giai đoạn tình yêu: ham muốn (lust), thu hút (attraction) và gắn bó (attachment).
Theo đó, giai đoạn quyết định chuyển từ cảm nắng (crush) hay mê đắm (infatuation) sang cam kết yêu đương được cho là rơi vào giai đoạn thứ hai của tình yêu, tức là vào khoảng 3 – 6 tháng đầu tiên.
Cũng tùy vào tình cảnh của cặp đôi mà giai đoạn mê đắm này kéo dài hay ngắn. Liên quan đến lý thuyết 6 tháng đầu mới yêu, không có căn cứ hay nghiên cứu nào cố định kỳ hạn cho giai đoạn "hẹn hò và tìm hiểu" trong mốc 6 tháng cả.
Tuy nhiên, theo quan sát thông thường và dựa trên một số công trình nghiên cứu (1), (2), (3), 6 tháng đầu là kỳ hạn yêu thử phổ biến mà nhiều người đã đặt ra để theo dõi quá trình phát triển sự mê đắm và cam kết của mình.
Ba tháng đầu lúc mới yêu được coi là giai đoạn tìm hiểu (discovery), thể hiện qua sự hào hứng và tò mò về câu chuyện của đối phương, đồng thời cả hai cũng có sự "bùng nổ" oxytocin và những ham muốn về cảm xúc và cơ thể nhau. Đây là giai đoạn các cặp đôi tìm hiểu sở thích, quá khứ, kinh nghiệm của nhau và thấy hứng thú về sự tương đồng (lẫn đối lập) về gu ăn uống, gu phim ảnh, âm nhạc, quan điểm sống... Từ đó, chúng ta cảm thấy bị ấn tượng bởi những đặc điểm như vẻ ngoài, tri thức, khiếu hài hước... của người kia và hình thành khao khát duy trì cảm xúc tích cực cũng như muốn xây dựng mối quan hệ với đối phương.
Giao tiếp là điều cần thiết trong giai đoạn này, vì hai bên cần trao đổi, hiểu về nhau để cùng hẹn hò vui vẻ và cùng nhau tạo ra những kỷ niệm gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, bởi sự bùng nổ của oxytocin và khao khát có bạn tình lâu ngày có thể khiến chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn về hình mẫu lý tưởng, hoặc "phát rồ" về người kia.
Thách thức của giai đoạn này là bạn cần vượt qua "lăng kính màu hồng" cùng những ảo tưởng mà nó đặt ra cho bạn.
Để thuận lợi vượt qua thách thức của giai đoạn này, độc giả có thể tham khảo bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề "Do & Don't": Nên và không nên hỏi gì để "lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu"?.
Từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu, mối quan hệ bắt đầu đậm sâu dần. Giai đoạn tiếp theo này, các cặp đôi cần vượt qua được những mê đắm ban đầu để đầu tư thời gian, tâm trí và cảm xúc cho mối quan hệ. Đây cũng là lúc hai bên bắt đầu có những tiếp xúc với bạn bè trong vòng kết nối của nhau.
Song song đó, thách thức cho giai đoạn này là cặp đôi phải vượt qua được những bất đồng sau giai đoạn tìm hiểu để chuyển sang giai đoạn đầu tư những chất liệu cảm xúc giúp củng cố sự thân mật, cũng như cho thấy sự chân thật và những phần sâu kín dễ bị tổn thương của nhau. Theo nghiên cứu của Frank J. Floyd và Guenter H. Wasner, mối quan hệ tiến lên cấp độ cao hơn khi cả hai cảm thấy thỏa mãn về mối quan hệ, cảm thấy sự công bằng về mức độ đầu tư cho mối quan hệ, cũng như ít cảm thấy bị hấp dẫn bởi các lựa chọn khác (2), (4).
Để củng cố niềm tin trong giai đoạn này, độc giả có thể tham khảo bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề ATTUNE: 6 giai đoạn xây dựng niềm tin giúp tình yêu bền vững có nội dung dựa trên các lý thuyết của Tiến sĩ John Gottman.
Ba tháng tiếp theo (6 - 9 tháng) là lúc tình yêu cam kết bắt đầu phát triển và kéo dài. Theo nhà nghiên cứu tâm lý học John Gottman, bốn đặc trưng của giai đoạn này là cảm giác trung thành (loyalty), sự cam kết (commitment), sự công bằng (fairness) và thời gian mà cả hai dành cho nhau (time spent together). Trong tiến trình này, các cặp đôi dần học cách tin tưởng và gắn bó với nhau hơn, dựa trên sự thỏa mãn vì những nỗ lực chiều lòng và duy trì mối quan hệ trong thời gian yêu đương. Đây là lúc mọi thứ chúng ta làm đều ảnh hưởng đến tính chất và sự lâu bền của mối quan hệ, thay vì chiều chuộng hoặc bỏ qua cho nhau vì ham muốn và sự tò mò lúc đầu.
Giai đoạn mê đắm có biểu hiện giống như một cơn nghiện. Bạn "thần tượng" và không ngừng nghĩ về người kia, tâm trạng lúc nào cũng hồi hộp, cảm xúc bị ảnh hưởng bởi người kia và bạn bắt đầu chăm chút ngoại hình và lên kế hoạch chi tiết cho mỗi buổi hẹn.
Đây là lúc bạn quyết định có nên tiến đến "yêu đương cam kết" hay không, dựa trên sự thể hiện tình cảm và đầu tư cảm xúc của đôi bên trong 6 tháng vừa qua.
Cảm nắng và mê đắm nảy sinh thông qua những cử chỉ nhỏ nhặt hoặc những lần tương tác vụng về với người mà ta cảm thấy bị thu hút. Giai đoạn này được xác định dựa trên những biểu hiện như cảm thấy cực kỳ hào hứng với người kia, ngày nhớ đêm mong, lúc nào cũng nghĩ ngợi đến nửa kia... Nếu trong giai đoạn hẹn hò và tìm hiểu này, đôi bên nảy sinh mâu thuẫn hoặc có sự xuất hiện của lựa chọn thay thế (mà chúng ta hay gọi là có "mối khác tốt hơn"), hoặc không cố gắng phát triển và củng cố những cảm xúc sâu sắc và gắn kết, thì sự mê đắm cũng không thể kéo dài.
Sau khi sự ngưỡng mộ và thần tượng ban đầu "va chạm" với thực tế, chúng ta dần tỉnh táo hơn và phóng chiếu những giá trị cá nhân cũng như mong đợi lên người kia. Từ đó, ta bắt đầu có sự so sánh với hình mẫu lý tưởng mà ta nhắm đến.
Trong công trình của mình, nhà tâm lý học Sandra Langeslag cho rằng, yêu đương (romantic love) là tổng hòa của mê đắm và sự gắn bó; nó dung hòa giữa sự ám ảnh (obsession) và tinh yêu đích thực (5).
Khi đã gặp đúng một tình yêu đích thực, những chu trình hóa học của serotonin, oxytocin và adrenaline vẫn không thay đổi. Bạn vẫn mê đắm và chỉ muốn ở cạnh người đó.
Xét từ góc độ tiến hóa, tình yêu cam kết tồn tại như một phương tiện để hình thành nên mối quan hệ lâu bền vốn cần thiết cho việc xây dựng gia đình và nuôi dạy thế hệ sau. Thế nên, ngay từ trong giai đoạn mê đắm, nhiều người đã đặt kỳ vọng rằng bạn tình hiện tại có thể là bạn đời mai sau. Theo Tiến sĩ Funke Baffour-Awuah, nếu giai đoạn mê đắm kéo dài hơn 4 tháng, người trong cuộc sẽ giả định rằng mối quan hệ giữa họ và nửa kia sắp bắt đầu tiến vào giai đoạn cam kết (6). Nhưng trên thực tế, chính não bộ và hệ thống hormone trong cơ thể đang khiến chúng ta nảy sinh ham muốn và mong muốn gắn bó với đối tượng mà ta bị thu hút.
Có lẽ vì vậy mà việc bạn mê đắm đối tượng không nói lên tính chất của mối quan hệ, với ví dụ tiêu biểu là trường hợp yêu đơn phương một người.
Trong công trình năm 1996 khảo sát về mức độ thỏa mãn mối quan hệ sau 6 tháng yêu nhau của các cặp đôi, nhà nghiên cứu Jennifer A. Sacher và cộng sự đề xuất 4 tiêu chí nâng cấp mối quan hệ từ hẹn hò lên yêu đương (7). Theo Sacher và cộng sự, tình trạng công nhận mối quan hệ (relationship status) sau 6 tháng yêu nhau chuyển dần sang hướng ổn định, gắn bó bền chặt và nghiêm túc hơn khi 4 điều kiện sau được thỏa mãn:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.