Có lẽ nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh những cây thông lấp lánh, bánh quy xinh xắn và ông già Noel đi phát quà trong ngày Giáng sinh ở Việt Nam. Ít ai biết rằng chúng ta còn rất nhiều truyền thống ăn mừng “độc lạ” khác trên thế giới mà bạn khó có thể hình dung. Ngày lễ Giáng sinh ở các nước khác trông như thế nào? Chúng ta có nên tham khảo ý tưởng của họ?
Ở Nhật, người ta cực kỳ ưa chuộng món gà rán KFC trong dịp Giáng sinh. Thay vì quây quần quanh bàn ăn tối với gà tây, các gia đình Nhật Bản sẽ mua một combo KFC đầy ắp salad, bánh ngọt cùng rất nhiều gà rán và thưởng thức cùng nhau. Đây được xem là “phong tục” phổ biến của xứ sở hoa anh đào. Chúng bắt nguồn sau chiến dịch tiếp thị thành công mang tên Kurisumasu ni wa kentakkii (hay Kentucky cho Giáng sinh) - biến món gà rán thành truyền thống ăn mừng Noel quen thuộc của người dân Nhật Bản.
Vào những năm 1980, các bức tượng Đại tá Sanders (người thành lập chuỗi gà rán KFC) mặc quần áo ông già Noel đã được trưng bày khắp nơi để thu hút dân địa phương và khách du lịch. Năm 2018, doanh thu của KFC Nhật Bản đạt đến 63 triệu USD từ ngày 20-25/12, với hàng dài người nối tiếp nhau xếp hàng đợi mua gà rán (1). Ngày bận rộn nhất thường là 24/12, khi đó họ bán được gấp 5 đến 10 lần bình thường. Nó phổ biến đến mức, một số người phải đứng đợi mua đến hai tiếng hoặc đặt trước hàng tháng mới có thể thưởng thức món ăn này vào dịp lễ.
Khi nghĩ đến đêm Noel ở nước ngoài, chúng ta vẫn thường hình dung ra khung cảnh ngồi co ro bên lò sưởi, uống sô cô la nóng hoặc ngắm nhìn tuyết rơi ngoài trời. Trái với thực tế này, người dân nước Úc lại ăn mừng Giáng sinh bằng cách “đi biển”. Đó là vì đất nước này nằm ở Nam bán cầu, Giáng sinh rơi vào mùa hè nóng bức nên các gia đình thường tụ tập ở bãi biển Bondi gần Sydney, ăn thịt nướng, hải sản và đắm mình dưới ánh nắng mặt trời. Đối với nhiều người dân nước Úc, Noel trắng xóa tuyết với không khí lạnh giá là điều chỉ “thấy qua phim ảnh”.
Điểm đặc biệt là, họ tổ chức Noel đến hai lần một năm. Sau khi ăn lễ vào tháng 12, người Úc sẽ đón mừng Giáng sinh lần nữa vào tháng 7, bởi lúc này tiết trời mới bắt đầu se lạnh. Lễ hội tháng 7 (hay còn gọi là Yulefest) không thay thế cho Noel trong tháng 12. Vào ngày 25/12 truyền thống, người dân nơi đây vẫn tặng quà và trao cho nhau những lời chúc ấm áp. Việc ăn mừng vào tháng 7 chỉ giúp họ có một trải nghiệm Noel đúng nghĩa hơn.
Vào mùa đông, ngày ở Iceland thường ngắn và ít ánh sáng hơn, Mặt trời chỉ mọc vỏn vẹn trong 4 giờ (khoảng 11 giờ sáng đến 3-4 giờ chiều). Người dân Iceland đã quen thuộc với việc thức dậy đi làm và tan sở về nhà trong bóng tối hoàn toàn. Tuy vậy, vào những buổi đêm có bầu trời quang đãng, chúng ta có thể chụp được hiện tượng cực quang lung linh đầy sắc màu, kết hợp với ánh đèn và nến Giáng sinh được thắp sáng, bao phủ khắp những ngôi làng nhỏ.
Iceland tổ chức Giáng sinh đến 13 ngày và có đến 13 ông già Noel khác nhau, hay còn gọi là Yule Lads. Từng người một sẽ đến thị trấn và tặng quà cho trẻ em, kỳ nghỉ lễ được cho là kết thúc khi ông già Noel cuối cùng “quay trở lại vùng núi” vào ngày 6/1. Tương truyền rằng, những đứa trẻ ngoan khi đặt giày lên bậu cửa sổ, ông già Noel sẽ đi qua và tặng cho chúng những món quà nhỏ. Nếu không ngoan trong cả năm đó, chúng sẽ thấy “khoai tây thối” xuất hiện trong giày của mình.
Giáng sinh ở Philippines được biết đến như một lễ hội đèn lồng khổng lồ - khi người dân đua nhau đi sắm những chiếc lồng đèn đủ màu có hình ngôi sao và được thắp sáng rực rỡ. Chúng được làm từ các đoạn tre và giấy bóng kính hoặc giấy màu Nhật Bản. Đây thực chất là biểu tượng của những ngôi sao đã dẫn đường cho các “nhà thông thái” và là vật trang trí Giáng sinh phổ biến nhất ở Philippines.
Người dân đất nước này thích Noel kéo dài càng lâu càng tốt, bắt đầu từ tháng 9 đường phố đã mở nhạc ăn mừng. Đêm Giáng sinh cũng cực kỳ quan trọng ở đây, phần lớn họ sẽ tham dự Thánh lễ vào buổi tối, sau đó ăn uống và khiêu vũ đến nửa đêm. Bữa tiệc khuya này được gọi là Noche Buena, bạn bè, hàng xóm của chủ nhà sẽ lần lượt ghé thăm và chúc nhau một Giáng sinh an lành. Họ thưởng thức cùng nhau các món như: lợn quay, giăm bông, salad trái cây, bánh gạo, cơm trắng và nhiều loại đồ uống khác nhau…
Tổ chức Giáng sinh ở một nơi siêu thị gần nhất cũng cách khoảng 5 giờ bay (hoặc 4 ngày đi thuyền) và có số lượng chim cánh cụt đông hơn cả con người - quả thực là “thách thức” đối với những nhân viên làm việc xuyên lễ trong các cơ sở nghiên cứu khoa học ở Nam Cực.
Dù không có sự huyên náo thông thường của lễ Noel, mọi người ở đây vẫn tìm ra những cách sáng tạo để chung vui với đồng nghiệp. Mỗi trạm tổ chức Giáng sinh theo cách riêng của họ, phụ thuộc vào thời tiết từng địa điểm. Một số hoạt động tiêu biểu là: nướng gà tây, ăn rau đóng hộp, hát hò, hóa trang ông già Noel, chơi board game và xem phim cùng nhau... Tuy nhiên, họ chỉ vui chơi trong ngắn ngủi và quay lại công việc ngay sau đó vì cần phải thu thập các dữ liệu liên tục.
Vậy Giáng sinh ở nơi cách Trái đất 420km thì sao? Theo NASA, các phi hành gia ở Trung tâm Vũ trụ Quốc tế (International Space Station) thường tận hưởng dịp lễ này theo những cách độc đáo khác nhau. Chẳng hạn như, khi bay vòng quanh Mặt trăng vào tháng 12/1968, phi hành đoàn đầu tiên đã thay phiên nhau đọc những dòng mở đầu trong sách Kinh thánh cho hơn một tỷ người ở 64 quốc gia theo dõi chương trình phát sóng đêm Noel.
Một số phi hành gia khác đã tự mình làm cây thông Noel từ những hộp đựng thức ăn thừa, sử dụng giấy decal màu để trang trí. Càng về sau, họ càng quen thuộc với ngày lễ này trên tàu vũ trụ và thường tổ chức tiệc ăn uống (các món ăn truyền thống được đựng trong túi như gà tây, nước xốt nam việt quất, khoai tây nghiền, bánh quy), hóa trang và chụp hình, quay video chúc mừng gửi về người thân ở Trái đất.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.