Tiếng khóc của em bé mới chào đời là một trong những điều tác động lớn nhất đến tâm trạng và phản ứng của các bậc cha mẹ. Bởi lẽ, người trưởng thành thường mặc định tiếng khóc gắn liền với nỗi buồn, cảm giác khó chịu hoặc những cảm xúc tiêu cực, thế nên khi nghe con khóc, hầu hết mọi người đều cố gắng tìm cách để dỗ nín ngay lập tức. Tuy vậy, tiếng khóc đối với trẻ không chỉ là biểu hiện cảm xúc, mà còn là cách để con giao tiếp với cha mẹ, truyền tải những nhu cầu mà con mong được đáp ứng, khi con còn chưa thể nói được một cách rõ ràng.
Thông thường, mỗi khi trẻ khóc, cha mẹ đa phần đều nghĩ rằng con đang đói, con cần được vỗ về nên sẽ ngay lập tức lao vào ôm ấp hoặc cho con bú. Tuy vậy, trẻ không được đáp ứng đúng nhu cầu sẽ càng tăng thêm cảm giác khó chịu, khóc càng nhiều và dai dẳng hơn khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu không biết phải làm sao. Khi cha mẹ dừng phản ứng một cách bản năng để dành thời gian hiểu được tiếng khóc của con, cũng như đáp ứng được đúng nhu cầu mà con đang cần thì trẻ sẽ ăn ngủ phù hợp với lứa tuổi để phát triển tốt nhất. Ngoài ra, việc cha mẹ hiểu được con còn giúp con cảm thấy an toàn và tự tin hơn trong suốt quá trình trưởng thành sau này.
Trong bài viết này, LeLaJournal giới thiệu với các bạn một vài điều mà con trẻ muốn nói với các bậc cha mẹ thông qua tiếng khóc:
Nguyên nhân mà mọi người nghĩ đến đầu tiên mỗi khi bé khóc là đói. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào cũng vậy. Để có thể biết được rằng con có thật sự đói hay không, cha mẹ có thể quan sát các biểu hiện của con. Khi con đói, bé thường có các biểu hiện như: liếm môi, đẩy lưỡi ra ngoài và quay đầu sang hai bên để tìm ti mẹ. Tiếng khóc của con thường bắt đầu bằng những âm thanh "hự hự" rồi dần chuyển sang tiếng khóc oe oe theo nhịp. Tuy nhiên, để xác định chính xác liệu con có đang đói hay không, bạn cần phải biết chính xác thời gian bữa ăn trước đó của bé là khi nào. Thông thường với trẻ dưới 3 tháng thì khoảng cách giữa các bữa ăn là 3 tiếng đồng hồ. Nếu ngắn hơn thời gian này có thể con chỉ đang mệt mỏi, hoặc con cảm thấy bất an. Việc xác định được thời gian ăn chính xác và xác định được khoảng cách giữa các bữa ăn phù hợp sẽ giúp cho con được ăn đủ no, không ăn vặt và phát triển tốt.
Sau khi đã ăn no, con vẫn có thể khóc. Nếu thấy con khóc kèm biểu hiện co hai chân lên bụng thì có thể con bị đầy hơi. Hoặc nếu con cong lưng, ưỡn ngực về phía trước, đó là dấu hiệu con bị trào ngược dạ dày. Trong trường hợp con bị đầy hơi, cha mẹ có thể bế úp con lên lưng, khum bàn tay vỗ nhẹ theo chiều từ dưới lên để đẩy hết hơi trong ruột ra ngoài đến khi con ợ được thành tiếng là ổn. Còn trong trường hợp con bị trào ngược sau khi ăn no, cha mẹ hãy bình tĩnh không ép con ăn lại ngay lập tức, mà hãy để dành cho đến bữa sau. Trong những lần ăn kế tiếp, cha mẹ có thể dùng gối chống trào ngược để giúp con cải thiện được các triệu chứng trào ngược sau này.
Thông thường khi cảm thấy không thoải mái, trẻ thường uốn éo cơ thể để thoát khỏi cảm giác khó chịu. Cha mẹ có thể kiểm tra tã để thay tã cho con. Sờ nhẹ lên da để kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ có đang quá nóng hay quá lạnh hay không để thay đổi quần áo hoặc điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp.
Lưu ý, nhiệt độ phòng lý tưởng cho trẻ được giữ trong khoảng từ 20 – 22 độ C (1), tuy vậy, với thời tiết ở Việt Nam thì có thể giữ nhiệt độ phòng ở mức từ 25 - 26 độ C (2).
Khi mới sinh ra, hệ thần kinh của trẻ còn non nớt và cần có thời gian để dần hoàn thiện. Do đó, trong khoảng thời gian đầu đời, con dành phần lớn thời gian chỉ để ngủ. Khi phải thức dậy quá lâu, hoặc tiếp xúc với nhiều nhân tố kích thích các giác quan liên tục sẽ khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi và đi ngủ.
Khi trẻ bắt đầu cảm thấy mệt, cha mẹ có thể nhận thấy mắt trẻ lờ đờ hoặc thường xuyên dụi mắt và quay đầu tránh xa khỏi những thứ đang kích thích, làm trẻ phân tâm. Bé cũng có thể dùng sức để với tay lên cao hoặc có phản xạ mút tay làm cho nhiều bậc phụ huynh càng tin rằng bé đang đói. Tuy vậy, việc cố gắng mút tay chỉ là một cách để trẻ con tự trấn an bản thân. Nếu bị ép ăn lúc này, con sẽ khóc ré lên, chuyển sang khua tay chân loạn xạ, cào mặt hoặc tai. Việc để cho con trở nên căng thẳng và quá mệt sẽ khiến con khóc dai dẳng cho đến khi con ngủ thiếp đi vì mệt, rồi sau đó lại thức dậy khóc tiếp. Ngay khi con có những biểu hiện chán nản hoặc mệt mỏi, cha mẹ cần cho con đi ngủ càng sớm càng tốt để con không bị căng thẳng và có được giấc ngủ sâu.
Hội chứng Colic là việc trẻ khóc không dừng được vào buổi chiều tối. Cha mẹ có thể xác định bé bị Colic khi con mình thường xuyên khóc vào buổi chiều tối, kéo dài 3 giờ đồng hồ cho mỗi lần khóc, trong 1 tuần khóc ít nhất 3 lần và kéo dài hơn 3 tuần mỗi tháng. Đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến Colic cho trẻ là gì. Tuy vậy, khi nhận thấy bé có biểu hiện bị Colic, cha mẹ có thể cho con vào xe đẩy để đẩy đi quanh nhà; nghe tiếng ồn trắng (White noise: âm thanh có tần số thấp như tiếng mưa rơi, tiếng sóng biển, tiếng máy sấy tóc...) để giúp con bình tĩnh, giảm căng thẳng, hoặc trong một vài trường hợp có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều đáng mừng là các biểu hiện hội chứng Colic sẽ chấm dứt khi trẻ vượt qua mốc 6 tháng tuổi, do đó, cha mẹ đừng nên hốt hoảng mà hãy hỗ trợ, trấn an trẻ vượt qua giai đoạn phát triển khó khăn này.
Ngoài những lý do kể trên, cha mẹ cần tìm hiểu xem con có bị đau nhức, khó chịu hoặc có bất cứ biểu hiện nào bất thường trên cơ thể để có thể đưa đến bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn khi cần thiết.
Tạp chí Current Biology (3) đã tiến hành một nghiên cứu khảo sát trên 200 người, với nhiều mức độ kinh nghiệm khác nhau trong việc chăm sóc trẻ. Những người này được cho nghe tám đoạn băng ghi âm tiếng khóc khác nhau của trẻ trong hai ngày. Kết quả cho thấy những người đã là cha mẹ, hoặc đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ có thể đoán chính xác nhu cầu của trẻ thông qua tiếng khóc với tỷ lệ trung bình là 70%, trong khi những người chưa có kinh nghiệm không thể đoán được. Điều này cho thấy cha mẹ hoặc những người từng chăm sóc trẻ thường có khả năng đọc được tín hiệu từ tiếng khóc để đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ. Do vậy, với những bậc cha mẹ đang chuẩn bị đón con đầu lòng cũng đừng nên quá lo lắng liệu mình có hiểu được tiếng khóc mà con muốn truyền đạt hay không. Chỉ cần chú tâm lắng nghe bằng trái tim và tìm hiểu thêm các thông tin khoa học uy tín thì chắc chắn cha mẹ sẽ hiểu được điều con trẻ đang cần.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?