Họa sĩ Tạ Duy: kinh nghiệm về nghề dạy nghệ thuật, rèn tâm qua nghề và tự do sáng tạo…
Thế nhưng, cuộc trò chuyện lần này giữa chúng tôi lại xoay quanh hoạt động giáo dục nghệ thuật của Tạ Duy, lĩnh vực mà ít người có dịp "khai thác" về anh một cách sâu sắc.
Từ năm 2012 đến nay, Tạ Duy đã kinh qua bao trường phái, mỗi giai đoạn anh lại được ảnh hưởng bởi một bậc thầy khác nhau. Nhưng sau tất cả, anh đã tìm về được đất diễn hay bến đỗ đích thực - thủy mặc họa, bắt đầu từ thời điểm anh theo học Thạc sỹ chuyên ngành Trung Quốc họa tại Học viện Mỹ thuật Trung Quốc. Dù tôn sùng cổ học, nhưng hội họa của Tạ Duy là sự phá cách của một tâm hồn vừa mới mẻ, đương đại vừa thận trọng, già dặn. Trong tranh của anh, ta tìm thấy cái hồn cốt xứ Việt nói riêng và Đông phương nói chung với nội hàm sâu sắc được thể hiện qua những pháp “chơi màu, biến hóa hình” lúc phóng khoáng uyển chuyển, lúc tĩnh tại, thanh thoát.
Có lẽ nhiều người biết đến Tạ Duy với tư cách một họa sĩ sáng tác nhiều hơn, đặc biệt qua các triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm của anh ở trong và ngoài nước, nhưng anh cũng là một nhà giáo dục nghệ thuật, hiện đang giảng dạy đồ họa tại Đại học FPT và Trung Quốc họa tại Trung tâm Flamma. Lần này, LeLa Journal đã có cuộc trò chyện với Tạ Duy để chia sẻ chiêm nghiệm cũng như kinh nghiệm của anh về nghề dạy nghệ thuật, rèn tâm qua nghề và tự do sáng tạo…
Theo tôi, dạy nghệ thuật trước hết là truyền nghề, sau đó là truyền cảm hứng. Như nhà văn William A. Warrd (Hoa Kỳ) từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng…”. Tất nhiên người thầy cũng có nhiều cấp độ và sẽ thật tuyệt vời nếu có một người thầy vừa biết nói, biết giải thích, biết minh họa và biết truyền cảm hứng.
Riêng cá nhân tôi, khi giảng dạy nghệ thuật, tôi luôn chú trọng việc truyền đạt các kỹ năng làm mục tiêu quan trọng hàng đầu. Sau đó nếu cảm thấy người học trò có năng lực tiếp thu và có hứng thú với công việc mà họ đang làm, tôi sẽ giúp họ có cảm hứng hơn nữa với công việc sáng tạo, đó là điểm khác biệt giữa dạy nghệ thuật và dạy nghề thông thường. Còn việc sau khi ra trường họ đi theo con đường nào, có bị trôi lăn giữa bao quan niệm đổi mới hay phá bỏ, cái đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính họ.
Thành danh và thành công là hai đích đến không giống nhau. Tuy rằng với những người chuộng danh vọng thì thành danh và thành công là một, nhưng với những người không ham danh, nó lại là hai.
Việc học nghệ thuật có rất nhiều mục đích. Có thể với bạn, nó là cái duyên để mình học ra những bài học cuộc sống, nhưng với tôi, nó là nhu cầu sống, hay với rất nhiều người khác, nó chỉ là công cụ để đem đến danh và lợi. Cái đó tùy thuộc vào nhu cầu mỗi người. Nhưng riêng với cá nhân tôi, một người đề cao nghệ thuật thuần túy, nghệ thuật sinh ra để thỏa mãn nhu cầu được sáng tạo của bản thân nghệ sĩ chứ không nên phục vụ bất cứ một mục đích gì khác.
Đúng là nghề nghiệp nào cũng phải cần đến thu nhập để duy trì cuộc sống, nhưng nếu mục đích kiếm lời được đặt lên hàng đầu thì đó không còn là nghệ thuật nữa mà là kinh doanh mất rồi. Nghệ thuật thuần túy chỉ cho phép nghệ sĩ làm việc vì nó mà thôi, còn nếu nghệ sĩ làm việc vì tiền bạc thì đó là một doanh nhân trong chiếc áo nghệ sĩ.
Đơn cử như tôi, tôi chưa khi nào vẽ tranh vì sinh kế mặc dù từng bán được không ít, nhưng bán được tranh không có nghĩa là tranh đó được vẽ ra để bán. Nếu một ngày nào đó, tôi tạo ra những tác phẩm chỉ để mưu sinh, thì rủi ro lớn nhất đối với tôi khi đó là tôi sẽ không còn đủ tư cách là một nghệ sĩ nữa.
Lý do duy nhất là họ không đủ đam mê. Tôi thường nghe nhiều người biện minh là họ không thể theo nghề vì cơm áo gạo tiền, nhưng sự thật nếu họ đủ đam mê, họ coi nghệ thuật như một nhu cầu sống, như nhu cầu được ăn, nhu cầu được uống thì tôi nghĩ sẽ chẳng có hoàn cảnh nào ngăn cản họ tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Còn không có lý do này sẽ có lý do khác. Tôi quen rất nhiều anh em nghệ sĩ có kinh tế ổn định nhưng họ vẫn không chịu sáng tác, lý do là gì thì như tôi đã chia sẻ ở trên, rằng: “họ không đủ đam mê”.
Bài học mà tôi “ngộ” ra được từ việc làm nghệ thuật chính là việc đừng để cho cái tâm của chính mình dắt mũi mình. Nghe có vẻ nực cười nhưng sự thật là chúng ta luôn dễ để cho tâm thức của chính chúng ta dắt mũi.
Đức Phật nói tâm chúng sinh vốn điên đảo, tâm nghệ sĩ cũng không phải ngoại lệ. Một người nghệ sĩ chạy đuổi theo những biến ảo trong tâm mình cũng như một con thú khát nước chạy theo những ảo ảnh trên sa mạc.
Hôm nay anh cho thế này là đẹp, ngày mai cũng chính anh lại cho như thế là xấu, hôm nay đúng ngày mai sai, hôm nay anh vui vì một bức tranh ưng ý, ngày mai cũng chính bức tranh đó lại khiến anh muốn xé bỏ. Anh là kẻ đã mệt mỏi trong những mê lộ vô định đó cả chục năm rồi. Cho đến một ngày anh “ngộ” ra rằng thôi đừng cố gắng bám đuổi những ảo ảnh bất tận đó nữa, đừng bận tâm đến những thay đổi của tâm thức, mọi cố gắng mà người ta hay nói là “hành trình đi tìm chính mình” đều không có hồi kết, bởi mọi thứ luôn biến huyễn không ngừng nghỉ. Chả có “chính mình” nào để tìm cả!
Tôi cho rằng sự dung hòa là điều cần thiết trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, vạn vật trong thế giới này đều tìm đến sự cân bằng, người nghệ sĩ cũng không ngoại lệ, họ bắt buộc phải tìm thấy sự cân bằng giữa mình và ngoại giới.
Sáng tạo nghệ thuật không chỉ giúp người nghệ sĩ đi sâu vào bên trong mình mà còn phải giúp họ thâm nhập vào thế giới của những người xung quanh, có như vậy nghệ thuật của họ mới có sự lan tỏa và tìm thấy những đồng cảm. Còn không nó mãi mãi là một hoang đảo và người nghệ sĩ sẽ chết mòn trên cái hoang đảo do chính mình tạo ra.
Thực sự không bao giờ có tự do tuyệt đối trong bất cứ điều gì. Chúng ta luôn sống trong những sợi dây ràng buộc, cả thể xác và tâm hồn. Cũng như những công dân ở một đất nước tự do vẫn luôn phải sống đúng với pháp luật của đất nước đó, một nghệ sĩ tự do vẫn phải suy nghĩ và sáng tác trong khuôn khổ của những thứ mà bản thân người đó cho là đúng. Và nếu muốn tác phẩm đó đến được với công chúng, người nghệ sĩ phải chấp nhận ở một mức độ nhất định những tiêu chuẩn chung của cộng đồng.
Thế nên, theo tôi, tự do trong sáng tạo là việc người nghệ sĩ tự làm hài lòng mình trong những giới hạn nhất định. Chính những giới hạn này sẽ giúp nghệ sĩ không bị rơi vào những cực đoan phóng túng vượt ngưỡng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị