Khác với những người chỉ thưởng thức tác phẩm, nhà sưu tập nghệ thuật có thiên hướng sở hữu vì tình yêu với tác phẩm và những cảm xúc đẹp mà nghệ thuật mang lại. Với KTS Nguyễn Việt Triều, sưu tập tranh là con đường mà anh chọn đi cả đời.
Bắt đầu sưu tập từ năm 2015, đến nay Triều đã sở hữu khoảng 200 tác phẩm hội họa và điêu khắc trong bộ sưu tập cá nhân. Anh cũng là đồng sáng lập của Mây Artspace - không gian trưng bày, chuyển nhượng các tác phẩm nghệ thuật, và là nơi những người yêu mến nghệ thuật cùng đến giao lưu.
LeLa Journal đã có buổi trò chuyện thân mật với KTS Nguyễn Việt Triều để hiểu hơn về phong cách sưu tập cũng như hướng tiếp cận riêng của anh với nghệ thuật và công chúng.
Xuất phát điểm của tôi là một người thích vẽ, sau đó tôi có cơ hội làm trong lĩnh vực thiết kế và yêu thích nghệ thuật nên bắt đầu sưu tập. Có những người sưu tập theo thiên thướng đầu tư, còn tôi là vì yêu thích. Mình là người trẻ nên cũng có cách sưu tầm và nhìn nhận khác so với các thế hệ lớn hơn. Với tôi, đam mê chỉ là một phần, phần khác là muốn tác động lên thị trường mỹ thuật. Đây cũng là lý do vì sao tôi mở Mây Artspace với chiến lược và định hướng là tác động lên thị hiếu người xem tranh. Qua việc sưu tập, tôi mong muốn có thể hỗ trợ nghệ sĩ trẻ để họ phát triển, đồng thời định hướng công chúng để họ có sự tôn trọng và trình độ thưởng thức nhất định với các tác phẩm nghệ thuật. Đó là định hướng của tôi chứ không còn là yêu thích thuần tuý.
Tôi thường chọn sưu tập dòng tranh nghệ thuật đương đại trước nhất là vì sự phù hợp, cả về tinh thần lẫn tài chính. Ở khía cạnh thưởng thức, nghệ thuật đương đại giúp bản thân cởi mở hơn, không bị gò bó bởi nhiều định kiến. Ví dụ như ở môi trường hiện tại, sự đề cao thái quá về giá trị tranh Đông Dương, Gia Định, hay tranh của người nổi tiếng mới là giá trị, là hay nhất, nhưng tôi không cho rằng như vậy là cách nhìn hay. Vì một khi anh có một trình độ thẩm mỹ nhất định, anh sẽ có cách nhìn riêng về tranh, càng yêu mến nó chân thành thì càng có những nhận định cởi mở và xác đáng.
Đa phần những nhà sưu tập sẽ mua một cái tên, nghĩa là những tên tuổi đã định danh và đã được công nhận. “Họa sĩ nổi tiếng thì tranh sẽ đẹp”, tất nhiên điều đó cũng không có gì sai. Nhưng ngoài giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật nói chung còn mang tính thời đại, nghĩa là nó sẽ mang trong mình cả tính lịch sử, những vấn đề của hiện thực xã hội. Nghệ thuật đương đại mang trong mình các yếu tố ấy và hơn nữa mang đến chìa khoá mở con người khỏi những trói buộc ước lệ như đúng - sai, đẹp - xấu. Nó giải phóng con người để mang họ đến những chiều kích sinh động khác của vũ trụ quan.
Với tôi, chọn tranh không chỉ vì đồng cảm với tác phẩm của người vẽ, mà đó là vì sự tôn trọng đối với giá trị nội tại của tác phẩm. Bức tranh có thể diễn tả cảm xúc buồn hay vui, có thể nói lên chính kiến dù khác quan điểm của mình, nhưng qua cách thể hiện và góc nhìn của họa sĩ, nó toát lên vẻ đặc sắc khiến mình tôn trọng và yêu mến.
Những cảm xúc mà họa sĩ có nhưng mình chưa có, vì thế đó không hẳn là sự đồng cảm, mà là sự tôn trọng đối với cảm xúc, góc nhìn riêng của họ. Tôi thấy bút pháp, bảng màu của nghệ sĩ độc đáo nên mới chọn.
Nếu chỉ chơi một dòng tranh như tranh Đông Dương, tranh Gia Định, hay tranh trừu tượng, thì tôi nghĩ cách sưu tập này hơi “cực đoan”. Theo ý kiến cá nhân của tôi, một người không đón nhận được những cái khác có lẽ hơi mang tinh thần cực đoan. Họ chỉ tin trừu tượng mới là số một, họ cho rằng cái mình thích là nhất, là hàn lâm và nghệ thuật. Nhưng suy cho cùng, trong nghệ thuật hiếm khi như vậy. Khi anh mở lòng chấp nhận tác phẩm, tức chấp nhận và đón nhận tinh thần người khác, lúc đó anh không còn cực đoan hay độc tài nữa.
Bản thân người sưu tập thường có mong muốn sở hữu rất mạnh. Giống như tình yêu vị kỷ, nhà sưu tập vừa có niềm yêu thích, vừa có mong muốn mãnh liệt để sở hữu tác phẩm. Nhưng cũng đến một thời điểm nhất định, người ta bắt buộc phải chuyển nhượng vì lý do tài chính, hoặc do số lượng tranh quá nhiều, việc bảo quản khó đảm bảo, khi đó họ sẽ tìm cách gạn lọc.
Tôi nghĩ bất kỳ nhà sưu tập nào cũng muốn chia sẻ bằng cách trưng bày cho người khác thưởng thức, đổi tranh hoặc bán để làm mới và tinh lược bộ sưu tập. Tôi và những người sưu tập thân quen thường trao đổi tranh của họa sĩ này để lấy tranh của họa sĩ khác.
Việc sưu tập cũng giúp tôi cởi mở hơn, bởi các họa sĩ thường mang nhiều góc nhìn và thể hiện tốt điều đó lên tranh. Với tôi, nghệ thuật là một nền tảng bên trong không thể thiếu. Tức nó dạy mình sự khiêm nhường, vì trước một tác phẩm, người ta sẽ không nhận xét ngay lập tức, họ hiếm khi ồn ào đặt cái tôi của mình lên trên để phán xét. Sự tiếp cận đối với một tác phẩm nghệ thuật không giống với một món ăn hay đồ trang sức, mình không thể dùng thái độ vồ vập.
Khi đối diện một tác phẩm nghệ thuật, họ tự có một khoảng lùi để suy tư nhiều hơn. Đó là khoảng lặng tuyệt vời để mình trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Nghệ thuật khiến chúng ta suy tư, và ngừng lại một lúc để đặt ra những câu hỏi. Khi mình đặt câu hỏi là đã có sự khiêm cung, giống như khi chúng ta đang đứng giữa một giáo đường.
Thứ nhất, tôi nghĩ nên xem tranh ở các triển lãm hay xưởng sáng tác càng nhiều càng tốt. Thứ hai là tham gia những diễn đàn, thảo luận về nghệ thuật. Nếu bước thêm một bước để bắt đầu sưu tập thì nên trò chuyện với họa sĩ và người sưu tập. Làm hay chơi đều cần sự hướng dẫn. Bản thân tôi đã vẽ từ nhỏ, lúc đi làm kiến trúc cũng cần biết vẽ nên đã có nền tảng thẩm mỹ tương đối, sau đó khi có mong muốn sưu tập thì tôi nghiên cứu và đọc sách thêm.
Buộc phải xem nhiều, vì nếu xem ít, chúng ta có khuynh hướng chỉ thấy một vài thứ và cho rằng đó là hay nhất. Xem nhiều giúp ta thấy cái nào cũng có hay và dở, bởi mỗi tác phẩm đều là một câu chuyện riêng. Tham gia “nằm vùng” đọc bình luận ở các diễn đàn chuyên môn cũng giúp chúng ta có kiến thức phản biện. Từng bước, chúng ta sẽ thấy ra lỗ hổng của mình và của người khác.
Khi nói chuyện với những nhà sưu tập giống mình, hoặc những người có chuyên môn, chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe họ phân tích cái hay, cái dở của một bảng màu, một bút pháp, một dòng tranh,... Nếu trò chuyện với nghệ sĩ, họ sẽ cho ta biết thực hiện một tác phẩm khó, dễ như thế nào, việc thể hiện đề tài đòi hỏi nhiều lớp lang ra sao, công sức và tâm trí họ bỏ ra khi thực hành sáng tạo,... Khi đã hiểu sâu hơn, mình biết được đâu là tác phẩm hay và đâu là tác phẩm hời hợt, nhận định được nên chọn bức nào cho bộ sưu tập của mình.
Thậm chí chúng ta có thể tác động đến nghệ sĩ. Nếu mình là một nhà sưu tập chất lượng, hoặc công chúng chất lượng, người nghệ sĩ sẽ buộc phải trưởng thành theo. Nghệ sĩ định hướng thẩm mỹ và công chúng định hướng tầm vóc tác phẩm, tác giả. Đây là một sự tác động qua lại rất thú vị. Sản phẩm không chất lượng sẽ không được thị trường chấp nhận. Khi nhà sưu tập, hoặc công chúng đủ lớn và đủ độ chín, họ có thể tác động ngược lại nghệ sĩ. Khi đó nghệ sĩ bắt buộc phải làm việc chuyên nghiệp hơn, có chiều sâu tư tưởng trong các tác phẩm của mình.
Theo tôi, hầu hết những nghệ sĩ vĩ đại đều xuất phát từ đất nước vĩ đại, vì đó là nền tảng môi trường hun đúc nên họ. Khi được sống trong một môi trường chất lượng và tương tác với không gian đó, họ sẽ buộc phải đủ lớn mạnh để phát huy tiềm năng của mình.
Đúng vậy, nó giống như một bộ lọc tự nhiên. Công chúng chất lượng thì sự nhiệt tình, thẩm định, trình độ thưởng thức của họ cao hơn. Nghệ sĩ nào thật sự đam mê, thật sự giỏi và đầu tư nghiêm túc cho công việc của mình sẽ vượt lên trước. Tương tự như bộ rễ của cây xanh, chỉ khi rễ chắc chắn thì cây mới vươn cao. Công chúng quan trọng ở điểm đó, bởi nếu công chúng hời hợt, họ sẽ công nhận những giá trị hời hợt, từ đó những sản phẩm qua loa sẽ có đất sống. Nếu công chúng chất lượng thì những nghệ sĩ chất lượng, những người có niềm tin và nghiêm túc với nghề sẽ lớn mạnh. Điều này rất quan trọng, nó là sự sống còn của thị trường nghệ thuật của một quốc gia.
Đó cũng là lý do tôi muốn đầu tư cho Mây Artspace. Hiện tại, chúng tôi không đưa vấn đề tài chính lên hàng đầu mà quan trọng là về lâu dài, sự tác động của mình với công chúng và thị trường sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực. Điều đó là sự hoan hỉ nhất đối với chúng tôi nếu dự án thành công.
Tôi cảm thấy may mắn vì đã sống và làm việc tốt bằng những công việc, môi trường nghệ thuật mà mình yên mến. Với tôi, sưu tập nghệ thuật là một lối sống. Nếu các dự án ở Mây Artspace thành công, nó sẽ hỗ trợ nhiều cho sở thích sưu tập. Đây cũng là một công việc ý nghĩa mà tôi chọn theo đuổi lâu dài.
Ảnh: NVCC
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Talk?
Kinh doanh, khởi nghiệp, kinh nghiệm sống và những cuộc trò chuyện truyền cảm hứng.
Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những bài viết thú vị