Khi cún cưng nôn mửa: Nguyên nhân và hướng xử lý

Chó ở mọi lứa tuổi có thể nôn mửa nhưng không phải lúc nào cũng nguy hiểm đến sức khỏe. Nếu cún cưng bỗng nôn mửa, bạn không cần quá lo lắng mà hãy áp dụng những phương pháp dưới đây để đánh giá tình hình, ngăn ngừa và chữa trị kịp thời.

Chia sẻ
Khi cún cưng nôn mửa: Nguyên nhân và hướng xử lý
stroke line

Lý do chó nôn mửa và cách phòng ngừa


Chó vốn có bản năng tò mò. Chúng sẽ ngửi và nếm mọi thứ mà chúng để ý, bao gồm cây cỏ, động vật khác, sâu bọ, vật dụng trong nhà, thậm chí là hóa chất vệ sinh nhà cửa. Bạn nên quan sát hoạt động của cún cưng tại những khu vực sau đây để xác định lý do vì sao chó nôn mửa:


Quan sát và kiểm tra khu vườn của bạn


Khi cún chơi trong vườn, nó có thể liếm hoặc ăn những sinh vật mang độc tố như ốc sên và cóc. Do đó, trước và sau khi trời đổ mưa, bạn nên yêu cầu chó ở yên trong nhà cho đến khi vườn khô ráo.

Vườn ẩm ướt là môi trường lý tưởng để sản sinh các loài nấm dại mà chó không thể tiêu hóa, từ đó dẫn đến ngộ độc. Vì thế, khi thấy nấm dại mọc trong sân vườn, bạn nên lập tức cắt bỏ.


Chó có thể ăn rất nhiều hoa do nếm được vị ngọt, nhưng do chúng không thể tiêu hóa được dẫn tới việc bị nôn mửa. Bạn có thể dạy chó mệnh lệnh "không" để chúng không ăn hoa, hoặc bạn có thể trồng hoa trên những giàn/chậu cao.


Chó ở mọi lứa tuổi sẽ ăn cỏ, lá xanh và hoa trong vườn. Khi nuôi chó, bạn cần hạn chế phun thuốc trừ sâu bọ. Chó ăn phải loại hóa chất này sẽ bị ngộ độc dẫn đến ói mửa và tiêu chảy.


lelajournal


Kiểm tra khu vực trong nhà


Các loại hóa chất lau dọn vệ sinh nhà ở nói chung cần được cất trong tủ hoặc ngoài tầm với của chó vì chúng có thể nếm tất cả hóa chất, dẫn đến ói mửa.


Thùng rác chứa đồ ăn dư thừa cần có nắp đậy, tránh việc chú chó lục rác và ăn nhầm những thứ ngoài khả năng tiêu hóa. Chó ăn phải thức ăn bị nấm mốc sẽ nôn mửa và tệ hơn là tiêu chảy.


Những vật dụng nhỏ trong nhà mà chú chó có thể nuốt chửng cần được đặt xa tầm với của nó, bao gồm đồ chơi trẻ em, đồ trang trí, quần áo lót... Chó chưa được huấn luyện và nhiều giống chó háu ăn sẽ nuốt tất cả mọi thứ trong tầm với mà chúng thích.


Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày


Chó con sẽ ăn nhiều hơn khả năng và có thể ăn đến khi bội thực. Cách nhanh nhất để phát hiện cún cưng đang ăn quá nhiều là quan sát vòng ngoài của bụng khi chó nằm xuống. Vòng bụng to và căng tròn là biểu hiện của việc ăn quá nhiều. Bạn nên cân đong vừa đủ lượng thức ăn ghi chú trên hướng dẫn sử dụng và tránh cho chó con ăn nhiều hơn mức cần thiết.


Theo dõi tình trạng của chó sau nôn mửa


Sau khi chó nôn mửa, bạn nên kiểm tra xem chó nôn ra những gì để xác định nguyên nhân và để dễ dàng trao đổi với bác sĩ thú y khi cần:

  • Chó nôn ra dung dịch màu vàng?
  • Chó nôn ra dung dịch màu trắng?
  • Chủ yếu là thức ăn?
  • Chó có nôn ra vật lạ?
  • Chó có nôn ra máu hoặc màu nâu đỏ?
  • Chó hoạt bát vui chơi hay mất sức nằm yên?


Xử lý tình huống chó nôn dung dịch màu trắng, vàng hoặc thức ăn


Đây thường là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa. Sau khi chú chó nôn ra, bạn hãy quan sát năng lượng của nó: chó có còn hoạt bát vui chơi trong nhà hay nằm yên bất động?


Nếu chú chó hoạt bát vui chơi:

  • Sau 2 - 4 giờ đồng hồ nếu chó tiếp tục nôn dịch vàng, bạn có thể cho nó uống thuốc enterogermina.
  • Đến giờ ăn, bạn hãy cho cún ăn các loại thức ăn nhẹ như cơm trắng trộn nước canh và tiếp tục cho uống enterogermina theo liều lượng trên hướng dẫn sử dụng đến khi chúng không còn nôn mửa.


Nếu chú chó mệt nhoài nằm nghỉ:

  • Cho chó uống enterogermina theo liều lượng trên hướng dẫn sử dụng.
  • Cung cấp nước thường xuyên.
  • Cho chó ăn lượng thức ăn giảm ít lại và chỉ ăn các món nhẹ như cơm trắng trộn nước canh.
  • Trong 24 - 48 giờ đồng hồ, nếu chó không cải thiện thì nên đưa đến gặp bác sĩ thú y.


Men vi sinh Enterogermina chữa nôn mửa
Men vi sinh Enterogermina chữa nôn mửa



Xử lý tình huống chó nôn mửa vật lạ


Chó con dưới 1 tuổi sẽ liên tục cắn phá, ngửi, nếm và ăn những gì mà chúng có thể nuốt được. Sẽ có vài trường hợp vật lạ không thể tiêu hóa qua đường ruột dẫn đến việc chó nôn mửa. Sau đây, LeLa Journal liệt kê các trường hợp nhẹ và nặng để bạn đánh giá tình hình:


Các tình huống nhẹ


Dưới đây là các tình huống mà chó ăn các vật trong vườn và trong nhà nhưng có khả năng thải ra bằng cách đại tiện hoặc nôn mửa. Bạn hãy quan sát biểu hiện của chó, nếu nó vẫn còn hoạt bát vui chơi thì hãy để nó đào thải vật lạ theo cách tự nhiên. Trong trường hợp chó mệt nằm bất động cả ngày hoặc bắt đầu tiêu chảy, bạn nên đưa nó đến thú y càng sớm càng tốt.

  • Chó nôn mửa giấy từ các thùng carton, giấy vệ sinh, báo giấy: Đây là các vật liệu nhẹ, nếu giấy báo vẫn còn tồn đọng trong bao tử thì sẽ được thải ra bằng đường hậu môn.
  • Chó nôn mửa cỏ, lá và hoa: Chó cũng cần tiêu thụ chất xơ nên chúng thường nhầm lẫn hoa, cỏ và lá cây với rau củ dễ tiêu hóa. Sau khi nôn gần hết thì phần còn lại sẽ thải qua đường hậu môn.
  • Chó ăn các mảnh nhựa từ đồ chơi: Bạn hãy kiểm tra và đánh giá mức độ lớn - nhỏ của vết cắn trên đồ nhựa. Nếu là các vết cắn nhỏ vụn thì khả năng cao là các mảnh vụn này sẽ được thải ra bằng đường hậu môn. Nếu là các mảnh lớn, hãy chờ xem chú cún có nôn ra được toàn bộ hay không. Nếu phát hiện chú chó có triệu chứng mệt mỏi hoặc bỏ ăn cả ngày, bạn nên liên hệ với thú y.
  • Bạn phát hiện chó đã ăn quần áo: Chó thường xé nhỏ quần áo ra trước khi nuốt, do đó sẽ thải ra bằng đường hậu môn. Nếu chú cún nằm yên bất động, khả năng là nó đã nuốt trọn một mảnh vải rất to và cần có bác sĩ thú y can thiệp.
lelajournal


Các tình huống nguy hiểm cần có sự can thiệp của thú y:

  • Chó hóc xương cá, các mảnh nhựa nhọn hoặc kim loại lớn và tìm cách nôn mửa: Lúc này bạn nên đến trạm thú y gần nhất để chó được điều trị ngay.
  • Bạn phát hiện chó đã ăn một phần hoặc cả một túi nylon: Cần lưu ý rằng vật liệu này không thể được thải ra bằng đường hậu môn hoặc đường miệng.
  • Bạn phát hiện chó đã nuốt nguyên miếng vải hoặc quần áo: Vật liệu này cũng không thể thải ra qua đường hậu môn, vì thế nếu chó không thể nôn ra được thì cần phải đến nhờ bác sĩ thú y can thiệp.


Khi nào nên đưa chó đến thú y?


Chó cần được thăm khám bởi bác sĩ thú y trong các trường hợp nguy kịch như:

  • Khi chú chó nôn mửa không kiểm soát được, không ngừng nôn ngay cả khi đã bỏ ăn.
  • Chó nôn ra chất lỏng có màu đỏ tươi như máu, hoặc màu nâu đỏ thì đây là trường hợp nguy kịch cần đến thú y ngay.
  • Chó nôn một hai lần, ngừng nôn vài ngày, nhưng sau đó lại tái diễn.
  • Chó rên rỉ kêu đau.
  • Bụng phồng to.
  • Chó bỏ ăn 24 - 48 giờ đồng hồ.
  • Khi bạn nghi ngờ chó bị ngộ độc vì có các triệu chứng như co giật, sùi bọt mép...
Tóm lại: Chó ở mọi lứa tuổi có thể nôn mửa do khó tiêu hóa, do ăn phải vật lạ, hoặc do ngộ độc. Tuy nhiên, không phải trường hợp nôn mửa nào cũng nguy kịch. Để không phải đối mặt tình huống chó ăn vật lạ hoặc bị ngộ độc, bạn nên huấn luyện mệnh lệnh "không" để chúng đừng ăn hoặc nuốt đồ vật trong nhà và ngoài vườn một cách vô tội vạ. Ngoài ra, bạn cũng nên cho chúng tập thể dục để đốt hết năng lượng dư thừa.

Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?

Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.

Khám phá thêm
vector
Jason Aquila
Jason Aquila