Những tưởng chỉ là một cuộc khẩu chiến trên mạng giữa Mark Zuckerberg và Elon Musk hoặc cùng lắm thì cả hai sẽ tham gia một cuộc đấu võ trong lồng sắt (cage match), nhưng Mark Zuckerberg đã có bước tiến công đầu tiên nhằm lật đổ thành trì "con chim xanh" hay "chú chó vàng" mang tên Twitter. Đó chính là tung ra một ứng dụng tương tự - Threads. Đây là ứng dụng chia sẻ, đăng bài thông qua "mạng lưới đường chỉ" với hơn 2,3 tỷ tài khoản Instagram đang hoạt động – trong khi con số này ở Twitter chỉ là 400 triệu!
Đây là đòn đánh khá đau cho Elon Musk trong bối cảnh người dùng Twitter đang tìm nhà mới để "tị nạn", sau khi hứng chịu một loạt những hạn chế ngớ ngẩn, như là việc giới hạn số tweet mỗi ngày. Hiện Twitter vẫn chưa có động thái gì trước đòn phủ đầu của Threads ngoài những đe dọa kiện tụng, tức là "trận võ đài" hãy còn chưa tiến tới màn chính.
Nếu người dùng Twitter từng tự hào vì có một nền tảng tự do phát ngôn và đăng quan điểm chính trị, tin sốt dẻo 24/7, chuyện phiếm, kể cả nội dung người lớn… thì nay họ phải chấp nhận một "bình thường mới" dưới thời của Elon Musk.
Trong vòng 4 tháng kể từ khi Elon Musk nắm quyền công ty, Twitter đã trải qua nhiều trục trặc đáng kể như toàn bộ liên kết dẫn ra website bên ngoài đều không hoạt động (dù đã khắc phục phần nào) (1). Bảng tin dashboard vốn hiển thị tweet của người nổi tiếng, Tweetdeck cũng bị gỡ bỏ. Chưa hết, nhiều người dùng còn báo cáo về việc không thể đăng tweet, nhắn tin hoặc theo dõi tài khoản mới trong nhiều giờ (2).
Sự xuống cấp của Twitter vẫn chưa dừng ở đó. Công ty dưới trướng của Elon Musk đã cổ vũ cho chủ nghĩa tự do ngôn luận cực đoan, khi nhà lãnh đạo này sửa đổi thuật toán phân phối nội dung nhằm khủng bố người dùng bằng các đoạn tweet cá nhân của Musk, đồng thời cho phép mở lại các tài khoản thù địch (3), phân biệt chủng tộc từng bị khóa vĩnh viễn trước đó.
Các chuyên gia cho rằng, động thái này của Musk đã góp phần làm tăng tỷ lệ mà ngôn ngữ thù địch (hate speech) xuất hiện trên nền tảng, cụ thể là phong trào ghét người da đen đã tăng 200 lần, kể từ khi Musk nhậm chức vào tháng 12/2022 (4). Dường như chính Musk cũng đã quên mất ý nghĩa của cụm từ "khóa vĩnh viễn".
Về mặt phát triển và vận hành ứng dụng, việc Musk hối thúc các dự án đã dẫn đến sự hỗn loạn chồng chất trong việc vận hành và phát triển nền tảng. Đơn cử như Twitter Blue, phiên bản trả phí để người dùng có thể mua tích xanh, đã có màn ra mắt thảm hại (5). Dù ý định ban đầu của Musk là xóa bỏ sự phân biệt mang tính đặc quyền của giới trưởng giả/quý tộc/tinh hoa (6), nhưng hệ lụy không ngờ là một loạt tài khoản spam được tạo vì mục đích xấu. Thay đổi này đã nhanh chóng bị thu hồi và trì hoãn ngày ra mắt.
Musk cũng đã đề ra chính sách chặn các ứng dụng của bên thứ ba với mục tiêu "cải thiện trải nghiệm của mọi người trên ứng dụng", như trường hợp với Tweetbot. Mặc dù Twitter đã luôn hứa hẹn với các nhà phát triển về một phiên bản API trả phí được cải tiến (7), nhưng cách Twitter đột ngột cắt quyền truy cập đối với bên thứ ba đã làm xấu đi mối quan hệ của ứng dụng này với các lập trình viên bên ngoài, những người đã tạo ra nhiều ứng dụng bổ sung giúp nền tảng trở nên phong phú.
Mặt kinh doanh cũng không khá khẩm hơn, khi 500 đơn vị mua quảng cáo của Twitter đã giảm hoặc dừng ngân sách cho Twitter (8), kể từ khi Musk cầm quyền, dẫn tới tình trạng ngôn ngữ thù địch tràn lan trên Twitter.
Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của Twitter, bởi lượng mua gói đăng ký chỉ chiếm khoảng 0.2% số lượng tài khoản đang hoạt động (9). Chưa dừng lại ở đó, Musk thậm chí còn cải tổ lại bộ máy quản lý khi sa thải hơn một nửa nhân viên, khiến những người còn trụ lại phải dọn dẹp mớ "hổ lốn" mà vị chủ tịch này gây ra.
Dù Musk tuyên bố rằng số lượng người dùng đang gia tăng hơn bao giờ hết, nhưng số liệu của các bên khảo sát lại phản đối điều này. Theo SimilarWeb, kể từ tháng 11/2002 - lúc Musk lên nắm quyền - Twitter đã giảm tốc độ tăng traffic truy cập từ 4.7% xuống -2, tính đến tháng 1/2023.
Ngay cả nhóm ủng hộ tư tưởng tự do ngôn luận cũng bắt đầu chống lại Musk, khi vị CEO Twitter liên tục có động thái đi ngược lại phương châm của mình. Cụ thể, Musk đã nhiều lần đình chỉ hoạt động nhiều tài khoản có phát ngôn chống lại cá nhân ông như danh hài Kathy Griffin, hoặc những tài khoản có tần suất đề cập đến các nền tảng thay thế Twitter (như Mastodon).
Nhà báo tự do Bari Weiss, người từng ủng hộ Musk, cũng công khai phản biện lại đường lối chỉ đạo của Musk khi ông liên tục đình chỉ hoạt động nhiều tài khoản của các nhà báo tự do, trong khi lại "trả tự do" cho các tài khoản bị đánh giá là cực đoan cánh hữu như Andrew Tate, Rep. Marjorie Taylor Greene.
Đỉnh điểm là Cựu CEO và đồng sáng lập Twitter là Jack Dorsey cũng đã "quay xe" để phê phán phong thái lãnh đạo của Musk (10).
Dù nhiều người vẫn công khai ủng hộ cách điều hành của Musk, song, ứng dụng này đang trải qua thời kỳ khủng hoảng về tổ chức, vận hành và tài chính hơn bao giờ hết. Chính vì lý do đó, không ít người dùng và dàn cựu nhân viên của Twitter bắt đầu kế hoạch di tản sang một miền đất hứa khác.
Đầu tháng 4 vừa qua (4/2023), Twitter của Musk đã chính thức được đổi logo, từ hình chú chim xanh sang hình meme nổi tiếng về chú chó Shiba Inu tên là Kabosu (11). Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, sau khi hình ảnh logo mới gây bão mạng toàn cầu, Musk lại đưa logo chim xanh quay trở lại (12). Điều này khiến chính người viết bài này vẫn còn đang hoang mang về việc nên gọi thương hiệu Twitter là "con chim xanh" hay "chú chó vàng".
Chỉ riêng mức độ biến động và khó dự báo của Twitter cũng có thể tạo ra một cơ hội cho các đối thủ. Nếu một sản phẩm đạt đến giai đoạn ổn định hoặc thay đổi sản phẩm một cách gay gắt, thì cơ hội sẽ mở ra cho các bên khác có thể len lỏi vào cạnh tranh chung.
Trước khi Meta tham gia, đã có không ít nền tảng khác chìa ra phao cứu sinh cho những thần dân Twitter muốn tị nạn. Trong số đó phải kể đến hai cái tên đáng nhắc là BlueSky và Mastodon. Thế nhưng, cả hai nền tảng này vẫn chưa đủ sức để thu hút những người dùng còn đang loay hoay "chịu trận" với những bất cập của Twitter, cũng như chưa lôi kéo được những cái tên nổi bật trong đại chúng.
Meta, công ty chủ quản của Facebook và Instagram, cũng không thể bỏ qua quả bồ hòn vừa được nhà "chim xanh" nhả ra. Từ lâu, Mark Zuckerberg đã nhắm đến việc xây dựng một không gian chia sẻ văn hóa và ý tưởng tích cực và lành mạnh – điều mà các thần dân tị nạn từ Twitter đang cần. Dù không (hoặc cũng có thể là có) chủ đích trực tiếp cạnh tranh với Twitter, nhưng giới chuyên môn cũng đã đánh giá cao về tiềm năng thay thế "chim xanh" của Threads.
Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram, chia sẻ về tiềm năng của Threads: "Dự án này làm tôi háo hức hơn cả, vì tôi hy vọng nó sẽ là một nền tảng ứng dụng tìm được sự cân bằng phù hợp. Trên thực tế, chúng ta đang có một cộng đồng lớn người dùng quan tâm đến điều này. Bạn có thể mang toàn bộ danh tính trên mạng xã hội (identity - bao gồm tên tài khoản và mọi thông tin cá nhân) từ Instagram chuyển sang Threads, cũng như sao chép toàn bộ tài khoản bạn bè mà bạn theo dõi. Hai ứng dụng này liên kết nhau và có thể thúc đẩy qua lại…"
Ý tưởng của ứng dụng mới này bắt đầu từ việc đáp lại mong đợi của cộng đồng sáng tạo nội dung trên Instagram về một không gian công luận (public conversation), vì họ cảm thấy không gian trao đổi trong mục bình luận của Instagram chưa đủ đáp ứng nhu cầu chia sẻ ý tưởng. Một diễn đàn công luận kết hợp chia sẻ hình ảnh trực quan - đó là xuất phát điểm của Threads.
Vấn đề cần cân nhắc tiếp theo là: Nên phát triển thành một ứng dụng độc lập hay biến đó thành tính năng tích hợp vào Instagram?
Vào ngày 5/7, Meta đã cho ra mắt nền tảng mạng xã hội chia sẻ nội dung ngắn mang tên Threads. Trong vòng 7 giờ kể từ khi ra mắt, ứng dụng này đã thu hút được 10 triệu lượt đăng ký trên 100 quốc gia (trừ châu Âu), nhờ vào lợi thế là có sẵn hơn 2 tỷ người dùng từ Instagram.
Đội ngũ phát triển của Threads đã hiện thực hóa giấc mơ về một nền tảng mở (trong giai đoạn hiện tại) với gần như đầy đủ tính năng và hơn thế nữa, để trở thành một diễn đàn đúng nghĩa. So sánh công bằng mà nói, những gì bạn có thể làm với Twitter thì cũng có thể thực hiện ở Threads. Chính vì lý do đó mà Threads hiện đang là kẻ soán ngôi số 1 của Twitter, trực tiếp đe dọa ngôi báu của Elon Musk và Twitter.
Cụ thể, với Threads, bạn có thể:
Tuy vậy, Threads vẫn gặp phải những lời than phiền về tính năng, như:
Mark Zuckerberg quyết định xây dựng Threads như một ứng dụng độc lập và liên kết với Instagram mà không nhắm trực tiếp vào việc hạ bệ Twitter. Trái lại, đây là nước đi tiến đến mô hình phi tập trung hóa (decentralisation) (14) – hướng đi có thể nói là rất khác với Twitter (15), một công ty vốn giới hạn quyền truy cập API tự do.
Đối với Meta, phi tập trung hóa được xem như một nỗ lực nhằm giảm bớt áp lực của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, tiến đến xây dựng một hệ sinh thái theo mô hình fediverse.
Fediverse là thuật ngữ chỉ những cụm máy chủ độc lập liên kết, tương tác và chia sẻ dữ liệu với nhau trong mạng xã hội liên hợp. Trong vòng kết nối đó, người dùng với những danh tính ở những máy chủ khác nhau có thể giao tiếp với nhau thông qua giao thức truyền thông mở (16).
Theo các chuyên gia, mặc dù Threads có rất nhiều điểm tương đồng với Twitter, nhưng ý đồ đằng sau của nhà sáng lập Meta lớn hơn rất nhiều so với sự ganh đua. Tầm nhìn của Mark Zuckerberg về một hệ sinh thái, hay nói đúng hơn là một vũ trụ ảo vẫn không đổi.
Sau cơn sốt ảo đầy thất vọng của Metaverse, Zuckerberg đánh một canh bạc lớn cho mạng xã hội công luận Threads với tham vọng tạo ra một mạng lưới liên nền tảng nơi người dùng có thể xây dựng danh tính và đời sống kỹ thuật số một cách trọn vẹn và cá tính nhất, khi có thể thiết lập các tiêu chuẩn cho cụm liên kết của mình.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Threads cần áp dụng giao thức ActivityPub để các nền tảng xã hội có thể vận hành một cách độc lập. Khi đó, người có thể chia sẻ nội dung giữa các nền tảng, tương tác đa kênh, trải nghiệm sự cá tính hóa đầy màu sắc hơn, cũng như tự chủ được nội dung được phân phối đến mình.
Tuy vậy, khả năng tương tác qua lại (interoperability) của Meta vẫn chưa thực sự sẵn sàng, nhất là trong bối cảnh Meta đang bị mất lòng tin vì quả bomb xịt mang tên Metaverse và sự dậm chân tại chỗ trong lĩnh vực AI.
Threads thừa hưởng danh tiếng và cảm tình từ hai đàn anh lớn của mình là Facebook và Instagram, song cũng nhận về nhiều sự hoài nghi về quyền riêng tư và tính bảo mật từ những vụ lùm xùm của công ty mẹ Meta. Thuật toán tìm kiếm và gợi ý nội dung của Threads cũng vướng phải nhiều tranh cãi tương tự như với Facebook. Chẳng hạn, như khi vừa đăng nhập, bạn sẽ bắt gặp bài đăng của những thương hiệu hoặc cá nhân mà bạn không cần thiết phải/muốn biết hoặc xem.
Cũng vì vấn đề này, Threads hiện vẫn chưa có được cái nhìn ưng thuận của Liên minh châu Âu. Theo Mosseri, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số và những ràng buộc mới đối với các nền tảng mạng xã hội lớn như Meta là chốt chặn đầu tiên mà Threads cần thuyết phục EU.
Đạo luật này được cho là một biện pháp để đối phó với những công ty truyền thông mạng xã hội theo mô hình tập trung hóa. Thế nên, cơ hội và thách thức tiếp theo là Threads cần ứng dụng ActivityPub để tiến tới phi tập trung hóa, cũng như thực hiện những cam kết về việc kiểm soát người dùng.
Tuy nhiên, vì nhiều bê bối trước đây của Meta, dư luận vẫn còn rất nhiều lo ngại xoay quanh khả năng kiểm soát nội dung, sự định hướng và mức độ "tự do" ngôn luận của người dùng.
Meta nói rằng Threads hứa hẹn sẽ giảm rủi ro cho những người sáng tạo muốn dùng thử mạng xã hội công luận lành mạnh theo kiểu mới, nhưng không muốn phải tốn công thực hiện nhiều thao tác rườm rà để xây dựng lại danh tiếng và danh tính từ con số 0. Dẫu vẫn còn đó nhiều lo ngại, nhưng sự hưởng ứng từ người dùng và những lời phê bình tích cực từ các chuyên gia, đã cho thấy rằng Threads có vẻ như đang đi đúng con đường mà Twitter rõ ràng là đã trật nhịp.
Trong tương lai, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều thay đổi mang tính phi tập trung hóa như thế này giữa hai bên chiến tuyến. Sẽ không còn những dòng tweet đấu khẩu giữa hai nhà sáng lập nữa, mà thay vào đó, mọi thứ sẽ được định đoạt dựa trên khả năng cộng sinh và độ khép kín của từng hệ sinh thái, Twitter và Meta.
Tất cả những điều đó đều là chuyện mà chúng ta chưa biết và chưa dự đoán được. Tuy nhiên, khi xem những dòng số liệu có phần "bết bát" của Twitter, LeLa Journal và người viết bỗng tự hỏi, liệu có phải chúng ta đang có biểu hiện của hiện tượng tâm lý Schadenfreude, ngồi cười trên "nỗi đau" của Elon Musk và Twitter hay không?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?