Trước khi "xâm chiếm" tâm trí và nhà riêng của chúng ta, loài mèo đã có "một thời oanh liệt" trên biển rộng, cùng con người khám phá, giao thương... thậm chí trở thành một thành viên không thể thiếu trên tàu hải quân.
Thuyền trưởng AJ Hailey cùng chú mèo trên tàu RMS Empress of Canada năm 1920 - Ảnh: UBC Library Digitization Centre
Văn phòng Nội các Anh nổi tiếng với "Trưởng phòng Bắt chuột" Larry, trong khi Nhật Bản lại vang danh cô mèo "Trưởng Ga tàu" Tama. Không chỉ trong nhà mà từ văn phòng chính phủ đến ga tàu đều in dấu chân của loài mèo. Ngay cả trên những đại dương mênh mông vốn cấm kị với những loài sợ nước cũng đã từng là địa bàn mà mèo thống trị cách đây nhiều năm.
Từ những buổi đầu con người giong buồm khám phá đại dương, mèo đã có mặt trên tàu. Trong các lăng mộ Ai Cập cổ đại có tuổi đời hơn 3.000 năm tồn tại những bức bích họa tái hiện cảnh mèo bắt chim, gà trên những con thuyền xuôi theo sông Nile (1). Vào cuối thế kỷ XV, những thủy thủ người Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã mang theo mèo trên hành trình thám hiểm khắp thế giới (2).
Bức bích họa miêu tả cảnh mèo đi săn được vẽ trên mộ của Nebamun - một viên quan Ai Cập sống vào những năm 1350 trước Công nguyên - Ảnh: British Museum
Sở dĩ mèo có vinh dự được "gia nhập" thủy thủ đoàn là nhờ tài bắt chuột. Những con vật gặm nhấm vốn là vấn đề nan giải đối với tàu thuyền thời bấy giờ, bởi chúng không chỉ phá hoại lương thực, gặm hỏng các thiết bị mà còn mang mầm mống bệnh dịch. Với danh hiệu "thiên địch" của chuột và bản năng săn mồi sắc bén, mèo hiển nhiên trở thành giải pháp vừa hữu hiệu, vừa tiết kiệm để diệt trừ những con gặm nhấm nguy hiểm.
Mèo mang lại nhiều lợi ích đến nỗi trong Thế chiến thứ Nhất, chính phủ Anh đã tổ chức một chiến dịch vây bắt và cứu trợ mèo quy mô lớn nhằm tập hợp, phân phát chúng cho quân đội. Những "thủy thủ mèo" thuộc Hải quân Hoàng gia thậm chí còn được nhận trợ cấp hàng tuần để mua thức ăn từ căn-tin tàu.
Thủy thủ trên tàu USS Olympia dùng một chiếc gương nhỏ để chơi đùa với những chú mèo vào năm 1898 - Ảnh: Scot Christenson
Điều đáng ngạc nhiên là tuy có ác cảm với nước, nhưng mèo lại thích nghi khá tốt với cuộc sống trên biển. Mèo tự kiếm ăn bằng cách tóm lấy những con cá dạt vào boong tàu hoặc nhảy trên mặt nước, một số còn học được cách bơi trong nước để săn mồi. Tuy chỉ ăn cá và động vật gặm nhấm, mèo vẫn có khả năng tự cân bằng độ ẩm và khác với con người, chúng có khả năng tự tổng hợp vitamin C cần thiết cho cơ thể (3). Ngoài khả năng chịu khát tốt, mèo còn có thể uống một ít nước biển để bổ sung lượng nước (4).
Vào những buổi đầu ra khơi, nhiều thủy thủ tin rằng mèo có sức mạnh kiểm soát thời tiết chỉ bằng… đuôi. Một chú mèo giận dữ với chiếc đuôi nhúc nhích liên hồi là tín hiệu cho thấy một cơn bão dữ dội sẽ sớm ập xuống. Mãi về sau, các thủy thủ mới ngộ ra là mèo giật đuôi khi bị kích động bởi áp suất không khí giảm đột ngột, báo hiệu tàu đang đi vào vùng thời tiết không thuận lợi.
Không dừng lại ở "điều khiển" thời tiết, mèo còn là nhân vật chính của các quan niệm mê tín dị đoan. Hải quân nhiều nơi trên thế giới cho rằng sự hiện diện của mèo có thể dự đoán kết quả chuyến đi ngay từ khi khởi hành: Mèo chọn lên tàu là điềm may, mèo nhảy khỏi tàu là điềm rủi. Các thủy thủ trở nên lo lắng khi thấy mèo đánh nhau trên bến cảng, bởi trong mắt họ, đó là thiên thần và ác quỷ đang tranh đoạt những linh hồn.
Những chú mèo ở Căn cứ Hải quân Hàng không Squantum - Ảnh: Scot Christenson
Bên cạnh bắt chuột và "cầu may", mèo còn đóng vai trò là bạn đồng hành mềm mại, giúp xoa dịu nỗi nhớ nhà của thủy thủ đoàn trong những chuyến đi dài. Trên cương vị "linh vật của tàu", mèo kết nối các thủy thủ và thắt chặt tình đồng chí trong đoàn. Sau khi cập bến, một số thủy thủ quyết định mang mèo về nhà và chăm sóc như thú cưng.
Mèo vốn có tiếng là loài khó huấn luyện, thế nhưng nhiều thủy thủ tài ba đã tự mình học cách "nói tiếng mèo" và dạy chúng những động tác kỳ công như đứng nghiêm, chào, đi trên dây hoặc rung chuông. Nhằm tăng thiện cảm với người dân đảo, Hải quân Hoa Kỳ đã tổ chức những chuyến tham quan tàu có màn trình diễn của mèo linh vật.
Tiddles là một trong những con mèo "thủy thủ" nổi tiếng nhất. Chú được sinh ra trên tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Argus, sau đó lại gia nhập vào thủy thủ đoàn của tàu HMS Victorious. Trong suốt quá trình phục vụ, Tiddles đã chu du 30.000 dặm trên biển. Sở thích của Tiddles là rung chiếc chuông của tàu.
Mèo Tiddles và chiếc chuông yêu thích
Một chú mèo khác cũng góp phần tạo nên tên tuổi của giống nòi là "Unsinkable" Sam (Sam "Không thể chìm"). Sam từng làm việc trên tàu chiến Bismarck trong Thế chiến thứ Hai. Khi con tàu bị bắn chìm, chú mèo Sam, lúc bấy giờ đang ôm lấy một mảnh ván và nổi lênh đênh trên biển, đã được một tàu hải quân khác tìm thấy. Sau đó, Sam còn thoát chết trong hai vụ đắm tàu khác khi đang phục vụ trên HMS Cossack và HMS Ark Royal. Biệt danh Sam "Không thể chìm" cũng gắn liền với chú ta từ đó (5).
Unsinkable Sam - huyền thoại trong giới "thủy thủ" mèo
Sau Thế chiến thứ Hai, địa vị đặc biệt của mèo trên tàu Hải quân có phần suy yếu. Nhờ các biện pháp khử trùng và kiểm soát dịch bệnh mới, thủy thủ không nhất thiết phải nuôi mèo mới có thể diệt chuột. Trong Hải quân Hoa Kỳ, mèo vô tình trở thành một gánh nặng khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm về mức tối thiểu. Trước tình thế khó khăn, một số thuyền trưởng không yêu mèo bắt đầu liệt chúng vào danh sách những thứ "không cần thiết" hoặc "gây phân tâm".
Linh vật mèo Saipan của tàu USS New Mexico (BB-40) - Ảnh: US Naval Institute Photo Archive
Bộ luật Kiểm dịch Quốc tế mới với các quy định chặt chẽ được ban hành sau Thế chiến thứ Hai đã chính thức đặt dấu chấm hết cho truyền thống nuôi mèo trên tàu. Theo luật, mèo bị cấm ra khỏi tàu và phải cách ly một thời gian dài sau khi cập bến. Nếu các quan chức địa phương bắt được một con mèo lẻn ra ngoài khi chưa đến hạn, thuyền trưởng sẽ bị phạt nặng, thậm chí bắt giữ (6). Không ai muốn mang danh "phạm tội" chỉ vì một con mèo vượt chốt kiểm dịch, vì vậy các thủy thủ đành phải chia tay linh vật của tàu
Một chú mèo trên tàu của hải quân Nga - Ảnh: Russian Military of Defense
Những thủy thủ mèo đã vắng bóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Nga. Ở Nga, mèo vẫn được đối xử và tuyên dương như một thành viên của thủy thủ đoàn. Hải quân Nga tin rằng một chú mèo linh vật sẽ góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, dễ gần cho quân đội cũng như giúp các thủy thủ trên tàu thư giãn. Một trong những thủy thủ mèo Nga nổi tiếng là Sergei Ivanovich, đã có mặt tại Syria trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào nội chiến ở Syria (7).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.