Loài chó, xuất phát từ loài sói hoang dã, đã đồng hành với con người tối thiểu từ 10.000 đến 15.000 năm trước. Một vài nghiên cứu khác chỉ ra rằng giống chó thuần hóa đã chung sống với con người từ 100.000 năm trước.
Lịch sử cho thấy khi chung sống với con người, chó tham gia vào nhiều mục đích khác nhau như săn bắt, chăn gia súc, và ngay cả việc chạy bánh xe để quạt lửa bếp hay xoay thịt nướng cho các nhà hàng.
Việc chung sống với con người đã khiến loài chó dần đánh mất tính hoang dã, và nhờ đó mà chúng cũng trở thành bạn đồng hành thân thiết trong cuộc sống chúng ta. Khi mất đi tính hoang dã, chó không còn bản năng tự săn bắt như loài sói trừ phi được con người huấn luyện. Vì thế, chúng cần được cung cấp thực phẩm để sinh tồn và sẽ ăn những gì được cho. Nhưng nếu chó có sự lựa chọn, chúng sẽ ăn theo chế độ dinh dưỡng như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã quan sát loài sói trong hoang dã.
Đến nay, đa phần những đoạn phim nghiên cứu về loài sói đều cho thấy chúng tiêu thụ chủ yếu thịt sống, và thoáng nhìn sẽ biết nguồn dinh dưỡng chính là protein. Tuy nhiên, những đoạn phim này đã phản ánh đầy đủ về dinh dưỡng của sói, từ đó suy ra bức tranh tổng thể về dinh dưỡng của loài chó được thuần hóa?
Chó và sói được liệt kê vào nhóm động vật ăn thịt vì sở hữu hàm răng nhọn để cắn và xé, khác so với hàm răng phẳng dùng để nghiền nát thực phẩm của những loài động vật ăn cỏ. Do là động vật ăn thịt nên sói phải săn mồi để sinh tồn.
Trong thiên nhiên, sự sinh tồn của loài sói bị ảnh hưởng bởi tính sẵn có của những con mồi. Vì vậy, chúng chỉ được "đánh chén" sau khi săn thành công. Nghiên cứu cho thấy sói ăn rất nhiều sau mỗi đợt săn và có thể ăn đến 22% trọng lượng cơ thể của chúng. Một con sói đầu đàn có thể nặng đến 80kg, do đó sẽ ăn tối đa 17,6kg thịt sau một lần săn để tích lũy năng lượng cho những ngày nhịn đói.
Ngay sau khi săn thành công, đàn sói lập tức tiêu thụ nội tạng của con mồi để bổ sung vi chất thiết yếu như Vitamin A, chất sắt và glycogen trong gan, kẽm và vitamin B trong tim, và can-xi trong xương,... (4).
Trong thời gian nhịn đói cho đến đợt săn thành công tiếp theo, sói sẽ đốt mỡ tích lũy trong cơ thể để có năng lượng sinh tồn qua ngày. Chúng tích lũy mỡ bằng cách tiêu thụ rất nhiều chất béo từ tủy trong xương của con mồi. Con mồi càng lớn thì lượng chất béo càng cao. Một nguồn cung chất béo khác nằm trong da của con mồi. Nghiên cứu về loài sói cho thấy trong vòng 10 tuần săn bắt bất thành, chúng thường quay lại xác chết của con mồi cũ để ăn da, xương chứa tủy và những gì chứa chất béo còn sót lại (5).
Ngoài nội tạng, thịt, xương, và da của con mồi, loài sói cũng ăn trái cây, cỏ và lá xanh để chuyển hóa thành năng lượng. Phân tích mẫu chất thải của sói cho thấy trái cây và rau củ đóng góp một phần nhỏ từ 3% đến 10% trong tổng lượng dinh dưỡng của chúng (6).
Để trả lời câu hỏi này, một vài nghiên cứu đã được thiết kế như sau: tại mỗi bữa ăn, những chú chó trong đợt thử nghiệm sẽ có 3 lựa chọn: chén thứ nhất chỉ có chất béo, chén thứ hai chỉ có protein, chén thứ ba chỉ có tinh bột.
Giống chó sử dụng trong các đợt thử nghiệm được lựa chọn ngẫu nhiên.
Kết quả cho thấy từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 7 của đợt nghiên cứu, đàn chó lựa chọn tiêu thụ dinh dưỡng theo tỉ lệ 63% béo, 30% protein và 7% tinh bột (7). Điều này cho thấy loài chó chia sẻ bản năng hoang dã của loài sói vì chúng lựa chọn dinh dưỡng theo tâm lý "chỉ ăn khi có", và vì thế chúng sẽ ăn nhiều chất béo hơn để tích lũy đủ mỡ cho những ngày (có thể) nhịn đói.
Tuy nhiên, một nghiện cứu dài ngày hơn cho thấy nếu thức ăn luôn sẵn có, đàn chó trong cuộc thử nghiệm sẽ bắt đầu điều chỉnh dinh dưỡng theo tỉ lệ 59% béo, 38% protein và 3% tinh bột trong những ngày còn lại của đợt nghiên cứu (8). Điều này cho thấy chó có khả năng nhận thức rằng chúng không cần phải tích lũy mỡ để nhịn đói qua ngày, do đó chúng sẽ tự động giảm lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày.
Nghiên cứu về chó này cũng chỉ ra rằng chất béo và protein chiếm phần lớn thành phần dinh dưỡng hàng ngày của chó đã thuần hóa, tuy nhiên chúng vẫn tiêu thụ một ít tinh bột (trái cây, gạo, rau xanh) nhằm cung cấp năng lượng và đảm bảo sức khỏe của đường ruột.
Một điều cần lưu ý từ những nghiên cứu trên: chất béo nên tiêu thụ là chất béo từ nguồn tự nhiên, tức chất béo từ mỡ gia súc, gia cầm, da, và tuỷ trong xương. Chó nuôi không nên ăn những loại thực phẩm chế biến của con người, ví dụ như món chiên xào, chiên giòn vì chứa rất nhiều chất béo bão hòa gây thừa cân, bệnh về tim, đồng thời góp phần tạo ra môi trường lý tưởng cho ung thư phát triển.
Tóm lại: Nghiên cứu về loài sói trong hoang dã và loài chó được thuần hóa cho thấy cả hai loài đều lựa chọn một chế độ dinh dưỡng tương tự nhau. Nếu có sự lựa chọn, chó nuôi sẽ chọn thức ăn theo tỉ lệ: 59% béo, 38% protein và 3% tinh bột.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.