“Có được thưởng Tết không?”, “Ở lại thành phố làm thêm hay về quê sum họp gia đình?”, "Rồi chừng nào cưới?"... là những câu hỏi thường gặp của nhiều người khi Tết đang đến gần.
Bên cạnh nỗi mừng vui náo nức khi Tết đến Xuân về thì những nỗi lo như mua sắm quà Tết, chuẩn bị phong bao lì xì “dày cộm” mừng tuổi ông bà, cha mẹ hoặc đối diện với những lời hỏi thăm, đánh giá từ họ hàng đang là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Chưa kể, áp lực công việc bề bộn giữa thời điểm chuyển giao năm cũ - năm mới và những băn khoăn cho chặng đường sắp tới cũng là những thứ khiến Tết trở thành gánh nặng chứ không còn là một dịp lễ trọn niềm vui.
Bên cạnh niềm vui xúng xính quần áo mới hay du xuân trẩy hội, Tết cũng có thể là nỗi ám ảnh khi bạn trở thành “nạn nhân” của những câu hỏi quan tâm thái quá từ họ hàng, làng xóm.
“Lương thưởng bao nhiêu?”, “Khi nào lập gia đình?”, “Làm công ty gì sao nghe tên lạ hoắc vậy?”… là những câu hỏi mà bạn Kiều Duy (23 tuổi, TP.HCM) thường xuyên gặp phải vào những dịp gặp mặt đầu năm. Cô nói rằng dù rất mệt mỏi với hàng tá thắc mắc của láng giềng hàng xóm nhưng mỗi năm cũng không có nhiều lần về quê sum họp nên cũng cố gắng trả lời cho thuận tai.
"Mình nghĩ chắc họ quan tâm mới hỏi thôi, nên cũng không có phản ứng gì quá gay gắt. Có đôi khi mình cũng bông đùa cho vui như là bạn trai còn chưa kiếm ra thì làm sao mà lấy chồng, cô bác coi có ai đẹp trai như tài tử thì giới thiệu cho con đi. Sau đó mọi người cũng cười đùa với nhau, coi như xong. Chứ nếu căng thẳng đáp trả thì chắc ngày Tết khó vui nổi. Với người khác thì mình không biết, nhưng ở quê mình, đa số cô bác đều chân chất, thật thà chứ không có ý hỏi để hạ bệ hay tọc mạch. Nên chắc tùy cách hỏi và câu hỏi mà mình có thể cân nhắc đưa ra câu trả lời".
Những ngày cận Tết cũng là lúc anh Nguyễn Huy Phước (28 tuổi, TP.HCM) càng thêm trăn trở lo nghĩ cho số tiền còn lại của mình. Làm việc ở một công ty về giáo dục, dù không bôn ba vất vả chạy vạy từng đồng nhưng thiếu thưởng cuối năm thì cũng được coi như một cái "Tết buồn" đối với anh.
Khi được hỏi, Tết có về quê sum họp với gia đình hay không thì anh trả lời chắc nịch: "Về chứ, một năm gặp ba mẹ được có mấy ngày đâu".
Anh chia sẻ thêm: "Mình vào làm ở công ty cũng được hơn hai năm rồi. Năm trước còn được nhận thưởng trước Tết, nhưng năm nay thì công ty vừa gửi email báo là trễ lương tháng 12 và cũng không có thưởng Tết gì hết vì không có lợi nhuận".
Dù thông cảm cho doanh nghiệp phải gồng mình khôi phục sau đại dịch COVID-19 nên lương thưởng eo hẹp, nhưng sau một năm làm việc vất vả mà "hầu bao" chẳng dư dả được đồng nào đang là áp lực chung của nhiều người dân lao động.
Mất đến sáu năm để có trong tay tấm bằng đại học, cứ tưởng sẽ có được một công việc thoải mái và mang lại nguồn thu nhập ổn định, vậy mà chị Võ Bích Ngọc (29 tuổi, TP.HCM) lại đang cảm thấy căng thẳng trước thềm năm mới vì chỉ được nghỉ Tết duy nhất ngày mồng Một.
"Mình làm dược sĩ cho một nhà thuốc lớn của quận. Công việc không có ngày nghỉ, hầu như là xuyên suốt tháng. Những ngày cận Tết, bệnh nhân càng đông nên thời gian mình ở lại làm thêm cũng nhiều hơn trước. Dù nhà mình cách chỗ làm chỉ có 30 km nhưng lâu lâu mình mới chạy về thăm nhà một lần. Mỗi ngày đều đi làm tới 9-10 giờ đêm nên thời gian chăm sóc sức khỏe cho bản thân quả thật rất ít ỏi".
Mặc dù chăm chỉ làm việc nhưng số tiền kiếm được cũng không thấm tháp vào đâu so với những chi phí như tiền thuê nhà, đổ xăng, ăn uống, đi đám tiệc… nên chị vẫn đau đầu khi bạn bè xung quanh đặt câu hỏi: "Lương tháng bao nhiêu?"
Chị Bích Ngọc tâm sự: "Mình tự nhủ có công việc đã là may mắn lắm rồi, vì giai đoạn này nhiều người thất nghiệp, thậm chí còn phải về quê ăn Tết sớm nữa. Nhưng đôi khi cũng chạnh lòng khi thấy bản thân tốn quá nhiều thời gian cho công việc nhưng số tiền nhận lại ít ỏi quá, gói ghém lắm mới đủ chi tiêu. Thậm chí, tháng nào mà được mời hai ba cái đám cưới thì coi như phải vay thêm tiền bạn bè".
"Mình không muốn xa quê đâu, nhưng mà nghèo quá" là lời tâm sự đầy nước mắt của chị Thúy Diễm (42 tuổi, Bình Dương). Hiện chị đang làm công nhân cho một xí nghiệp may cùng với chồng là anh Dũng. Cả gia đình lên TP.HCM đã 20 năm nay, nhưng số lần về quê ăn Tết chỉ đâu đó vài ba lần.
"Chính vì nghèo nên mới phải bôn ba mưu sinh, còn về quê tốn tiền lắm. Nào là tiền xe, nào là sắm đồ cúng kiếng, quà mừng... Rồi đi về thăm bên nội, bên ngoại, chưa tính tiền mừng tuổi ông bà và lì xì tụi nhỏ. Không lẽ dì dượng ở xa lâu lâu mới về mà không có mấy chục ngàn đồng cho cháu. Mình thấy số tiền đó vượt quá khả năng cho phép, nói đúng hơn là cũng hết một hai tháng lương rồi. Năm nay công ty còn cho nghỉ sớm hai tuần, nên càng eo hẹp đủ thứ, thành ra tiết kiệm được chút nào hay chút đó".
Có lẽ không ít người như chị Diễm đã chọn ở lại thành phố đón Tết, như một cách để tiết kiệm nhiều hơn là một dịp để sum vầy. Đối với những người con xa xứ, Tết giờ đây không còn là hương vị bánh chưng, bánh tét được mẹ nấu trên bếp than đỏ rực, là hình ảnh cây mai, cây quất được ba chăm tỉa vào những ngày cuối Đông, mà có lẽ đã trở thành câu nói cửa miệng mà nhiều người lao động vẫn thường nói với nhau mỗi dịp đầu năm: "Mẹ ơi! Xuân này con không về".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.