Trà phổ nhĩ (pu-erh tea) là loại trà ép bánh (bánh trà) có nguồn gốc chủ yếu từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Loại trà hảo hạng này xuất phát từ giống trà quý Camelia Sinensis có lá lớn, thân to, búp nhiều lông, mọc hoang dã ở độ cao khoảng 800 – 2.700m. Ở Việt Nam, người ta gọi đây là trà shan tuyết (tuyết trên núi).
Bánh trà phổ nhĩ có thể đạt tuổi thọ cao như 70 năm, 80 năm,... vì thế nên vô cùng quý. Giống như một loại rượu hảo hạng, trà phổ nhĩ sẽ ngon hơn theo thời gian. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải để bánh trà lâu mới dùng được. Bánh trà mới "ra lò", hay trữ một vài năm đều có thể sử dụng.
Có hai loại trà phổ nhĩ là phổ nhĩ sống và phổ nhĩ chín. Phổ nhĩ sống không trải qua quá trình ủ lên men, mà mao trà sau khi thành phẩm sẽ mang đi ép thành bánh trà ngay để cho hậu vị hơi ngọt và hương nhẹ nhàng. Còn phổ nhĩ chín lại trải qua quá trình hậu lên men, bao gồm việc mao trà được chất thành đống, phun nước và phủ bạt để làm tăng sức nóng trong quá trình ủ, đặc trưng bởi vị đất và hương thơm nồng. Màu nước trà phổ nhĩ đỏ, sáng và đẹp mắt. Như trà ô long, chúng ta nên thưởng thức dòng trà này sau bữa ăn để cảm nhận trọn hương vị nguyên sơ của nó.
Loại trà lên men này cũng có lợi cho sức khỏe. Tương tự như trà ô long, phổ nhĩ thúc đẩy việc giảm cân, cải thiện cholesterol, ức chế sự phát triển của ung thư và một số tác dụng phụ như gây mất ngủ, thay đổi nhịp tim, chóng mặt vì lượng caffeine chứa trong trà. Vì thế, một số người nhạy cảm với caffeine không nên uống quá hai chén trà phổ nhĩ mỗi ngày (1).
Trà phổ nhĩ có thể pha bằng phương pháp hiện đại của phương Tây và phương pháp Trung Hoa truyền thống. Tuy nhiên, cách pha trà Trung Hoa mang đến trải nghiệm hưởng thụ tinh tế, thể hiện qua công cụ và văn hóa trà đạo. Trong bài viết này, LeLa sẽ hướng dẫn bạn cách thức pha trà phổ nhĩ truyền thống.
Phương pháp pha trà phổ nhĩ nhìn chung khá công phu, mang đến cho chúng ta trải nghiệm văn hóa trà đạo độc đáo. Mọi người thường thấy cách pha này ở các không gian thiền trà, trà thất của gia đình, nơi người ta buông xả những bận rộn hàng ngày để ngồi xuống thanh thản pha và thưởng thức một chén trà ngon.
Vì thế, việc chọn dụng cụ pha trà và lắng mình cảm nhận sẽ được chú tâm hơn cả.
Để trải nghiệm thêm phần trọn vẹn, người thưởng thức nên sử dụng một bộ trà Yixing (ấm trà tử sa, làm từ đất sét đá đặc biệt xuất xứ tại Trung Quốc) hay Gaiwan (chén khải làm từ gốm sứ). Trà phổ nhĩ trải qua công đoạn hái lá trà shan tuyết, ủ lên men, hấp, ép bánh đến bảo quản, dẫn đến mức độ oxy hóa trên 50% (mức cao). Vì thế, chúng ta nên chọn ấm có miệng và thân rộng, bởi búp trà sẽ nở to trong quá trình pha. Đồng thời, nên chọn chén với dung tích lớn hơn một chút, miệng chén rộng hơn, để bạn cảm nhận được đa tầng hương vị độc đáo của loại trà này.
Thành phần và dụng cụ:
Cách pha trà:
1. Tráng và làm ấm bộ ấm chén trên khay tre bằng nước nóng. Chỉ cần đổ nước nóng vào bình, tách và ấm, dùng tay xoay tròn nhẹ và đều rồi loại bỏ nước.
2. Dùng dao tách bánh trà phổ nhĩ để lấy 5gr trà, cho trà vào ấm và đổ một lượng nhỏ nước nóng lên trên đủ ngập lá. Dùng tay xoay nhẹ ấm vài giây rồi đỏ bỏ nước. Điều này đặc biệt quan trọng nhằm đánh thức lá trà do phổ nhĩ trong quá trình sản xuất bị nén nhiều lần.
Lưu ý: Nếu pha trà phổ nhĩ chín, hãy lặp lại việc tráng lá trà này một lần nữa. Nếu pha trà phổ nhĩ sống, hãy chuyển qua bước tiếp theo.
3. Cho khoảng 150ml nước nóng 90 độ C vào ấm trà và đậy nắp. Sau đó đổ một ít nước nóng lên nắp ấm trà.
4. Sau 10 đến 20 giây, nước trên nắp ấm sẽ khô, lúc này hãy rót từ từ nhẹ nhàng cho đến khi hết nước trà trong ấm vào bình để phục vụ vào tách của mỗi người.
Một ấm trà phổ nhĩ có thể pha từ 10 lần trở lên. Trong mỗi lần pha mới, hãy ngâm trà thêm 5 – 10 giây.
Dù bạn là người pha trà lẫn thưởng trà hay chỉ đơn giản là một người được phục vụ trà phổ nhĩ, hãy hướng toàn bộ giác quan: thị giác - khứu giác - xúc giác - vị giác... của mình vào việc pha trà, thưởng trà lẫn chú tâm vào bên trong cơ thể mình để trọn vẹn với thực tại.
Khi pha trà, việc chậm rãi từng bước như tráng bộ ấm Yixing hay Gaiwan đến việc rót trà vào từng tách để phục vụ mọi người, không đơn thuần là để có một tách trà ngon, mà điều đó giúp thanh lọc và làm lắng lại những muộn phiền, bận tâm trong lòng bạn. Khi tâm thanh tĩnh, không còn đánh giá, không còn phóng suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, bạn sẽ trọn vẹn với chính mình để cảm nhận rõ lớp hương và vị của trà phổ nhĩ. Vậy nên người ta mới gọi là "trà thiền nhất vị", ám chỉ rằng thông qua việc chú tâm thưởng trà, ta cũng đang an trú trong hiện tại.
Một người bạn bảo: "Khi thưởng một tách trà, ta nâng tách bằng hai tay như một cách trân trọng! Ta đưa tách lên gần mũi và nhẹ nhàng cảm nhận mùi hương đất ấm dễ chịu phảng phất đôi chút gỗ thông và mộc nhĩ thân thuộc, và ánh mắt ta như hòa vào nước trà đỏ nâu vừa thanh vừa sáng, trước khi nhâm nhi ngụm trà đầu tiên. Thoạt đầu có chút chát nhẹ, nhưng hậu vị lại ngọt và nồng nàn." Như vậy, thưởng trà cũng như việc sống, chỉ có sự lắng lòng mới giúp ta cảm nhận đa dạng mọi mặt của đời sống trong khi vẫn thấy được sự thú vị riêng của mỗi mặt, mà không phê phán hay dính mắc vào mặt nào. Và cũng nhờ trải nghiệm thưởng trà một mình hay với những người bạn, ta càng thêm trân quý phút giây hiện tại.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an