Dù điểm chung là đều mang đến thân hình lý tưởng cho người tập nhưng giữa thể hình và thể thao lại có nhiều sự khác biệt trong cách luyện tập và chế độ dinh dưỡng đi kèm.
Thể hình tập trung vào việc phát triển độ lớn của cơ bắp, từ đó giúp bạn phát huy sức mạnh. Khi các nhóm cơ càng lớn, khả năng cử tạ nặng càng dễ dàng. Đây là thước đo sức mạnh trong bộ môn thể hình (1) (2).
Trong thể thao, vận động viên cũng áp dụng một vài bài tập thể hình để phát triển nhóm cơ chủ đạo của bộ môn. Tối thiểu hai lần trong tuần, vận động viên chuyên nghiệp sẽ dành thời gian tập thể hình tại phòng gym để nâng cao sức mạnh. Bạn sẽ thường thấy cầu thủ bóng đá tập cử tạ để cặp đùi to lớn hơn từ đó nhảy cao hơn, bứt tốc nhanh hơn, hoặc phát triển bờ vai to lớn hơn để tì đè mạnh khi tranh chấp bóng.
Khả năng di chuyển liên tục không cần nghỉ là thước đo sức khỏe. Trong thể thao, huấn luyện viên sẽ yêu cầu vận động viên luyện tập sức khỏe tối thiểu hai lần trong tuần. Để đạt sức khỏe như ý, họ thường tập rất nhiều bài thiên về bodyweight, trái ngược với thể hình là chỉ chuyên dùng tạ.
Bodyweight là trường phái luyện tập sử dụng trọng lượng cơ thể để kháng lực. Những bài tập bodyweight căn bản bao gồm push ups, jumping squats, và bear crawl, yêu cầu người tập hoạt động toàn thân từ đó phát huy sức khỏe trên tất cả nhóm cơ.
Khi bước vào bài tập nâng cao sức khỏe, vận động viên thường tập trong một khoảng thời gian cố định và không được ngừng nghỉ, ví dụ tập 5 phút bao gồm 1 phút push ups, 1 phút jumping squats, 1 phút bear crawl, 1 phút frog jumps, 1 phút đu xà đơn. Những bài tập sức khỏe thường rất khó và mệt.
Bộ môn thể hình thường không quan tâm đến rèn luyện sức khỏe vì họ tập trung phát triển cơ bắp. Lúc cần tăng cơ, họ sẽ hạn chế chế độ luyện di chuyển liên tục vì khi tập quá dài, họ không còn sức cử tạ, dẫn đến việc cơ bắp chậm tăng kích thước. Vận động viên thể hình chỉ bắt đầu luyện tập sức khỏe khi họ cần cắt bớt trọng lượng trước kỳ thi đấu. Trong thời gian này, họ phải giảm lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể với những bài sức khỏe cường độ nhẹ như đi bộ nhanh (power walk), chạy bộ, và đạp xe. Khi lượng mỡ giảm đi, cơ bắp sẽ lộ rõ ràng hơn trên sàn thi đấu.
Tùy vào thời điểm lịch sử mà nhận định về vẻ đẹp trong thể hình sẽ thay đổi. Tuy nhiên, khái niệm ít thay đổi nhất là việc phát triển cơ thể toàn diện.
Hàng ngày, chế độ luyện tập của các vận động viên thể hình bao gồm đẩy/kéo tạ theo bài compound và isolation để tối đa hóa sự phát triển cơ bắp toàn thân. Trong đó, compound dùng nhiều nhóm cơ cùng lúc còn isolation tập trung vào một nhóm cơ. Ngoài cử tạ, vận động viên cũng phải ăn đủ dinh dưỡng để giữ khối lượng cơ bắp đã phát triển.
Tuy nhiên, chỉ tập và ăn là vẫn chưa đủ. Để phô diễn cơ bắp lý tưởng nhất, người tập thể hình cần cắt trọng lượng trước ngày thi đấu từ 2 đến 4 tháng bằng cách tập cardio nhiều hơn, ăn protein nhiều hơn bình thường, giảm nhiều tinh bột và chất béo. Khi giảm cân, lượng mỡ tích tụ trong cơ thể cũng giảm theo, từ đó khiến nhóm cơ lộ diện một cách hoàn hảo nhất. Vận động viên nam sẽ duy trì từ 5% đến 8% mỡ cơ thể trong suốt thời gian thi đấu, và nữ từ 13 đến 15%. Sau thời gian này, họ có thể ăn uống bình thường để ổn định sức khỏe.
Thể thao đề cao việc phát triển nhóm cơ phục vụ các động tác chính của bộ môn. Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy vận động viên bơi lội có thân trên to lớn hơn thân dưới, vận động viên điền kinh có cặp đùi và hai cánh tay to, bóng đá có cầu thủ với cơ đùi to và cánh tay thon.
Kế hoạch luyện tập của vận động viên thể thao bao gồm chủ yếu những động tác bodyweight và chỉ bao gồm cử tạ từ hai đến ba lần mỗi tuần để phát triển nhóm cơ chủ đạo. Ngoài sự khác biệt trong luyện tập, chế độ dinh dưỡng của vận động viên thể thao cũng có sự khác biệt, là phục vụ mục đích duy trì nhóm cơ đã phát triển và ít khi nhắm đến mục tiêu làm lớn cơ bắp, trừ phi giải đấu yêu cầu cường độ cao hơn.
Để phát triển toàn diện các nhóm cơ, bộ môn thể hình áp dụng những bài tập di chuyển trục dọc (vertical movement) khi họ di chuyển tạ từ dưới lên và từ trên xuống. Khi không phải di chuyển toàn thân quá nhiều, họ chỉ cần quan tâm đến tư thế và độ nặng của tạ thì có thể phát triển nhóm cơ theo ý muốn.
Thể thao yêu cầu thực hiện nhiều động tác hơn bao gồm di chuyển trục ngang, trục dọc, di chuyển thay đổi hướng liên tục, va chạm, giằng co, bứt tốc và dừng đột ngột. Điều này đòi hỏi vận động viên thể thao phải tập rất nhiều động tác bodyweight để giúp họ điều khiển cơ thể theo ý muốn. Hàng ngày, họ cần duy trì những bài tập liên quan đến cardio, bứt tốc, bộ pháp (footwork), nhanh nhẹn (agility), sức rướn (reach), và sức bền (endurance).
Vận động viên thể hình chuyên nghiệp sẽ có khả năng thon gọn hoặc tăng cường cơ bắp dễ dàng khi điều chỉnh trọng lượng tạ và chế độ dinh dưỡng. Khi mong muốn thon gọn, họ sẽ tập cardio nhiều hơn, đồng thời tăng protein và giảm lượng tinh bột tiêu thụ hàng ngày. Khi cần tăng cơ bắp, họ sẽ nâng cao trọng lượng tạ và ăn nhiều thực phẩm hơn hàng ngày.
Trong thể thao, vận động viên cần duy trì thể trạng theo yêu cầu của bộ môn. Bóng đá thường yêu cầu tiền đạo phải duy trì thân hình nhỏ gọn để giữ tốc độ, và yêu cầu hậu vệ phải giữ thân hình to lớn để giữ sức mạnh. Trong bơi lội, họ sẽ yêu cầu vận động viên duy trì thân trên to lớn để phát huy tốc độ quạt tay.
Vì thế, sau khi đạt được thân hình theo yêu cầu của bộ môn, vận động viên thể thao thường không cần phải thay đổi thân hình trong suốt sự nghiệp của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là họ không cần tập thể hình để tăng thêm cơ bắp. Vì tùy vào cường độ của giải đấu mà họ sẽ cần tập thể hình để đáp ứng yêu cầu. Bạn sẽ thấy cầu thủ bóng đá Ngoại hạng Anh có thân hình to lớn hơn những giải đá banh khác vì yêu cầu giải đấu thiên về thể lực. Những giải đạp xe tốc độ cao sẽ có vận động viên với cặp đùi to lớn hơn những giải xe đạp đua đường dài.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Rèn Luyện?
Kỹ thuật rèn luyện chuyên môn và các chương trình duy trì thể chất bài bản