Trong thế giới hiện đại, liệu điểm số, bằng cấp, chứng chỉ, học hàm-học vị có phải là thước đo duy nhất để đánh giá tài năng của một người? Trong một thế giới mà cơ hội mới mở ra mỗi ngày mỗi giờ, các nhà giáo dục học với mong muốn đưa thế hệ trẻ vượt qua những định kiến gò bó đã dần hướng tới khẩu hiệu "redefine talent" - "tái định nghĩa tài năng". Vậy định nghĩa mới này là gì và chúng ta phải làm sao để phát triển tài năng của trẻ?
Chúng ta thường cho rằng trẻ tài năng, năng khiếu là những trẻ đủ khả năng vượt qua các bài thi đầu vào để được học trong trường chuyên, lớp chọn, hoặc ít nhất cũng là những trẻ thông minh hơn, giỏi hơn hẳn các bạn đồng trang lứa. Và thực tế phần nào cũng đúng là như vậy, khái niệm "trẻ có năng khiếu" (gifted child) thường được sử dụng để gọi nhóm học sinh được chọn vào học các "chương trình năng khiếu" (1).
Như vậy, gần như theo một cách chính quy, chúng ta hiểu tài năng, năng khiếu phải là sự thông minh, "không dạy đã biết", "học một hiểu mười"... Nhưng trong xã hội hiện đại, liệu điều này còn đúng không? Và như vậy thì chúng ta phải hiểu "tài năng" là như thế nào?
Định nghĩa của từ "talent" trong Từ điển Cambridge là một người có khả năng làm thật giỏi một việc, đặc biệt là khi chưa được dạy hoặc đào tạo để làm việc đó (2). Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), "tài năng và năng khiếu" (talent and giftedness) là cụm từ chỉ những trẻ thể hiện được sự thông minh cao hơn mức trung bình một cách đáng kể, có khả năng đặc biệt hoặc là cả hai, được đo lường thông qua các quy trình đánh giá tiêu chuẩn và hợp lý (3).
Như vậy, nếu chỉ xét năng lực là một dạng "thông minh" hoặc học giỏi thì dường như chúng ta đã bỏ sót một lượng lớn trẻ em, khiến các bé dù có tài và có năng lực, vẫn không được công nhận là có năng khiếu và tài năng.
"Tái định nghĩa tài năng" (redefine talent) là một khái niệm được đề ra tại các nền giáo dục quốc tế và tiên tiến nhằm đề cao sự bình đẳng và duy trì tính nhân văn trong giáo dục. Tại Việt Nam, một trong những nhà giáo dục đầu tiên đưa ra khái niệm này là Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu – người Việt có bằng Tiến sĩ từ Đại học Stanford (Mỹ) và cũng là thủ khoa MBA Đại học Oxford (Anh).
"Chúng ta đều là thiên tài, nhưng nếu như bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo lên cây, nó sẽ luôn sống trong suy nghĩ rằng mình là một kẻ ngu ngốc" - Albert Einstein (4).
Câu nói trên một lần nữa khẳng định vai trò của việc cần tái định nghĩa lại tài năng của mỗi người. Điều này nhấn mạnh rằng tài năng sẽ không chỉ là toán hay khoa học mà có thể là âm nhạc, nghệ thuật, thể thao hoặc năng lực ở bất cứ lĩnh vực nào. Không chỉ là những điểm 10 gạch chân, không phải những thành tích hay huy chương... mà bất kỳ đứa trẻ nào với những năng khiếu tưởng chừng đơn giản nhất đều có thể trở thành nhân tài.
"Tài năng" - sau khi được định nghĩa lại - có thể được hiểu là sự thông thạo xuất sắc năng lực (cả kiến thức lẫn kỹ năng) đã được phát triển một cách có hệ thống trong ít nhất là một phạm vi hoạt động, tới mức cá nhân đó phải thuộc nhóm 10% người giỏi nhất, nổi bật hơn các "người cùng lứa" (những người đã được học tập, tiếp thu và tích lũy kiến thức trong thời gian tương tự) (1), (5).
Tuy Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ nhận định tài năng là do thiên bẩm, nhưng cũng đã đưa ra một phân tích rất đáng lưu tâm rằng chúng ta rất khó để tối ưu hóa được tài năng vì tiến trình dung dưỡng đòi hỏi nhiều thời gian, sức lượng, sự hy sinh, cống hiến và nguồn lực từ cha mẹ, người dẫn dắt, cũng như chính trẻ có tài năng đó (6). Không chỉ như vậy, điều này còn cho thấy rằng "tài năng" còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung cấp giáo dục. Sẽ thế nào nếu cha mẹ có con là một người tài giỏi nhưng xung quanh không có nhiều người lớn để chỉ dạy cho bé?
"Tài năng là thiên bẩm hay nuôi dưỡng?" là câu hỏi thường gặp khi các nhà khoa học nghiên cứu về con người và đặc biệt là giáo dục; đây cũng là câu hỏi mà chưa biết bao giờ chúng ta mới có được câu trả lời rõ ràng. Tài năng có phải là một sức mạnh sẵn có từ khi sinh ra hay có thể được hình thành và nuôi dưỡng? Theo tác giả Daniel Coyle, tài năng là một tài sản sẵn có từ khi sinh ra và sẽ được phát triển từ những tác động của giáo dục, thực hành và rèn luyện (7).
Không chỉ như vậy, trong cuốn Giải mã tài năng của Geoff Colvin và cuốn Những kẻ xuất chúng của Malcolm Gladwell, hai vị tác giả nổi tiếng đã đưa ra ý kiến rằng những người tài năng và xuất chúng, như Mozart trong âm nhạc và Tiger Woods trong môn đánh golf, có lẽ đã không thể thành công đến thế nếu không được sinh ra trong gia đình có truyền thống và được đào tạo, tôi luyện từ nhỏ. Thậm chí, có lẽ Bill Gates và Mark Zuckerberg - những tỷ phú nổi tiếng vì đã bỏ học Đại học rồi trở thành những Nhà Sáng lập nổi tiếng nhất thế giới - có được tài năng và thành công là bởi họ được sinh ra trong thời đại bùng nổ công nghệ (8), (9).
Đây là một quan điểm đề cao sự giáo dục và nuôi dưỡng, nghĩa là để một đứa trẻ có thể trở thành "người tài" và áp dụng được năng lực của mình vào các phương diện của cuộc sống thì tài năng đó phải được trui rèn với những định hướng phù hợp về khoa học giáo dục. Trên thực tế, việc giáo dục tài năng và năng khiếu (talented and gifted education) đã bao gồm các chương trình thúc đẩy vận động giáo dục, nghiên cứu và chia sẻ ý tưởng giữa các nhà giáo dục và phụ huynh của những đứa trẻ có tài năng và năng khiếu (3).
Chẳng hạn, nếu con bạn đã được xác định một thiên tài âm nhạc với khả năng chơi piano điêu luyện, thì việc gửi con tới người hướng dẫn giỏi và thường xuyên trao đổi với họ là tiền đề tốt để con bạn thuận lợi trở thành một nghệ sĩ piano đại tài. Trái lại, nếu cha mẹ chỉ đơn thuần gửi con đi học mà không kèm cặp nhiều thì sự tài năng của con vẫn sẽ có nguy cơ bị "hao hụt".
Ngay từ xưa, chúng ta đã có tích về bà mẹ thầy Mạnh Tử. Bà mẹ của Mạnh Tử muốn con được học hành cẩn thận nên đã chuyển chỗ ở ba lần, tới khi ở gần trường học mới thôi. Khi thấy con ham chơi không học, bà mẹ đã chặt gãy cả khung cửi và thoi dệt. Từ đó, Mạnh Tử mới chăm chỉ học hành.
Tích về mẹ thầy Mạnh Tử là một minh chứng rằng việc rèn luyện tài năng của trẻ không chỉ dừng lại ở sự giáo dục chính quy mà còn chịu nhiều ảnh hưởng từ nhận thức và phương pháp nuôi dưỡng của cha mẹ, không chỉ trong xã hội hiện đại mà còn là trong mọi thời đại.
Nếu trong mỗi đứa trẻ đều đang tồn tại một "thiên tài" thì việc đáng lưu tâm nhất chính là giúp trẻ phát triển tài năng. Để làm được điều này, cha mẹ có thể nuôi dạy trẻ theo các định hướng cơ bản sau:
Có thể nói rằng việc định nghĩa lại tài năng chính là để các bậc phụ huynh có thể nhìn nhận đúng đắn về việc mỗi đứa trẻ đều đang có một "múi giờ" của riêng mình và sẽ tỏa sáng khi được giáo dục phù hợp. Từ nhận thức đúng, cha mẹ có thể giúp con trẻ xác định đúng đam mê, phát triển trong đúng môi trường và được vẫy vùng trong một hệ sinh thái phù hợp để trẻ trở thành những nhân tài mang bản sắc cá nhân.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?