Dưới đây là những điều thú vị về trực giác nhạy bén của chó và lý giải khoa học.
Đây có lẽ là đặc tính dễ nhận ra nhất của những người đang sở hữu một chú chó. Khi chúng ta buồn, những chú chó luôn cố gắng động viên, an ủi chúng ta. Khi chúng ta vui, những chú chú cũng vui vẻ không kém. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng chó có thể nhận biết cảm xúc của con người bằng cách tổng hợp lượng thông tin mà chúng nhận được từ các giác quan khác nhau (1).
Cụ thể, loài chó có khả năng đọc hiểu các biểu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của con người một cách đáng kinh ngạc. Trong khi một số nghiên cứu cho rằng chó tập trung hơn vào hành động giải tỏa cảm xúc của con người, các nghiên cứu khác lại chỉ ra chó quan tâm đến biểu cảm nhiều hơn, tương tự như cách chúng ta nhìn nhận về nhau (2). Nghiên cứu trên tạp chí Learning & Behavior năm 2018 đã chứng minh chó có thể phân biệt 6 cảm xúc cơ bản - tức giận, sợ hãi, buồn bã, ngạc nhiên và ghê tởm - thông qua sự thay đổi trong ánh mắt và nhịp tim của chúng (3).
Tuy nhiên, khi không có dấu hiệu bề mặt nào, chó vẫn cảm nhận được tâm trạng của con người bằng việc đánh hơi các loại hormone mà chúng ta phát ra khi thay đổi trạng thái cảm xúc (4). Trong một nghiên cứu trên tạp chí Animal Cognition năm 2018, các nhà khoa học đã cho hai giống chó Labrador và Golden Retrievers tiếp xúc với các mẫu có ba mùi cơ thể người - lần lượt đại diện cho cảm giác sợ hãi, hạnh phúc và trung tính. Các mẫu này lấy từ mồ hôi vùng nách của các tình nguyện viên nam giới và đặt trong trong không gian có sự hiện diện của chủ nhân chú chó và một người lạ. Kết quả là, khi chó tiếp xúc với “mùi sợ hãi", chúng trở nên căng thẳng và nhịp tim tăng cao hơn hẳn so với sự hiện diện của “mùi hạnh phúc". Đồng thời, chó cũng có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn với những người lạ mang đến “mùi hạnh phúc" xung quanh (5).
Thậm chí, chó còn nhận biết được cảm xúc con người chỉ dựa trên giọng nói của chúng ta (6). Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu phát hiện ra chó có một vùng não, tương tự như vùng não của con người, cho phép chúng giải mã các tín hiệu cảm xúc thông qua giọng nói, ngoài những gì chúng có thể cảm nhận được từ những từ ngữ quen thuộc (7).
Chính những điều này đã giúp những chú chó thấu hiểu cảm xúc của con người khi chúng ta không thể hiện tâm trạng ra bên ngoài. Vậy nên, “chó trị liệu” ngày càng trở nên phổ biến trong các trường học, bệnh viện và nhà dưỡng lão, nhất là đối với việc giúp đỡ các bệnh nhân đang gặp vấn đề về mặt sức khỏe tâm thần (8).
Ngoài cảm nhận được sự thay đổi về mặt cảm xúc, khứu giác nhạy bén của loài chó cho phép chúng “cảm nhận" một số bệnh tật của con người. Bởi lẽ, khi chúng ta bị bệnh, sự thay đổi nồng độ các chất hoá học bên trong cơ thể sẽ phát ra một số mùi hương nhất định. Mũi người không phát hiện ra những thay đổi nhỏ này, nhưng mũi của chó có thể làm được điều đó. Theo tạp chí National Geography, chó có khứu giác được cho là tốt hơn chúng ta từ 1.000 đến 10.000 lần (9).
Tận dụng khứu giác tuyệt vời này, chó được huấn luyện để phát hiện ra các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) mà cơ thể những người bị bệnh “thải" ra ở trạng thái khí và lỏng (10). Giả thuyết này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1989, khi một người phụ nữ đi khám vì chú chó trong nhà liên tục đánh hơi và cố gắng cắn vào nốt ruồi của cô ấy. Sau đó cô được chẩn đoán đây là một khối u ác tính.
Kể từ lúc đó, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh những chú chó có thể phát hiện ra bệnh ung thư của chủ bằng cách đánh hơi và thúc vào một bộ phận trên cơ thể người. Bằng việc ngửi hơi thở của người bị ung thư phổi hoặc ngửi nước tiểu của người bị ung thư bàng quang, chó sẽ sớm phát hiện ra những căn bệnh này. Ngoài ra, chó cũng dự đoán được việc hạ đường huyết thông qua các hợp chất VOC phát ra từ các lỗ chân lông trên da bệnh nhân, cũng như phát hiện ra bệnh động kinh thông qua sự thay đổi về VOC, kích thước đồng tử và cách di chuyển của người bệnh (11) (12) (13).
Không thiếu trường hợp những chú chó chưa được huấn luyện phát hiện ra tình trạng bệnh tật của chủ nhân. Vậy nên, nếu bạn nhận thấy chú chó của mình có những hành động bất thường như: rúc vào người bạn và đánh hơi liên tục, liếm hoặc cắn cơ thể bạn để cố gắng loại bỏ tế bào ung thư, liên tục rên rỉ và gây rối quanh bạn, hay đơn giản chỉ là nhìn chằm chằm vào người bạn nhiều hơn bình thường,..., hãy đi khám tổng quát để được kiểm tra cẩn thận.
Bạn đã bao giờ bắt gặp chú chó nhà mình liên tục đánh hơi xung quanh không khí hay lo lắng chạy quanh nhà trước khi cơn bão sắp đổ bộ chưa? Theo tạp chí National Geographic, quả thực chó có khả năng cảm nhận được sự thay đổi của áp suất khí quyển mà các cơn bão tạo ra trước khi chúng sắp ập đến. Terry Curtis, bác sĩ tâm lý học lâm sàng tại Đại học Florida, cho biết chó biểu hiện một số dấu hiệu lo lắng như tai cụp lại, cụp xuống, mắt mở to, thở hổn hển, liếm môi và ngáp (14).
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Stanley Coren, nhiều chú chó có khả năng phát hiện ra những thay đổi trong hoạt động địa chấn và cảm nhận được các chuyển động bên dưới mặt đất trước khi hiện tượng động đất xảy ra. Đề xuất rằng động vật cảm nhận được động đất trước khi nó xảy ra lần đầu tiên được ghi nhận ở Hy Lạp vào năm 373 trước Công nguyên, khi chó tru (hú) và nhiều chuột, chồn, rắn và rết di chuyển đến nơi an toàn vài ngày trước khi một trận động đất mang tính hủy diệt xảy ra.
Ở Trung Quốc và Nhật Bản, động vật như chó được coi là một phần không thể thiếu trong hệ thống cảnh báo động đất tại quốc gia của họ. Vào năm 1975, các quan chức ở thành phố Haicheng, Trung Quốc từng cảnh giác trước những hành vi kỳ quặc và lo lắng của chó và các loài động vật khác. Những quan sát này khiến họ ra lệnh cho 90.000 cư dân sơ tán khỏi thành phố. Chỉ vài giờ sau, một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã phá hủy gần 90% các tòa nhà của thành phố. Kể từ đó, một số nghiên cứu gợi ý rằng nhiều loài động vật, bao gồm cả chó, có thể dự đoán được những chấn động tương tự trên trái đất (15)
Vậy nên, nếu bạn sống ở những khu vực có khả năng xảy ra bão lụt và động đất, đừng bỏ qua những hành vi lạ thường của chó để có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.