Câu hỏi vì sao chúng ta lại mơ đã thu hút các nhà triết học và khoa học trong hàng nghìn năm nay. Dù chưa lý giải được cụ thể chức năng của giấc mơ, giới khoa học đưa ra một số giả thuyết hữu ích để chúng ta hiểu hơn về vai trò của giấc mơ đối với cảm xúc, trí nhớ, mong muốn và cách đối mặt với thử thách hằng ngày của con người.
Giấc mơ là những hình ảnh, suy nghĩ, cảm xúc hoặc cảm giác mà bộ não tạo ra trong lúc ngủ. Đôi khi giấc mơ thể hiện một câu chuyện rõ ràng nhưng cũng có lúc, chúng dường như chẳng có ý nghĩa gì.
Giấc mơ thường diễn ra trong mọi giai đoạn của chu kỳ giấc ngủ (sleep cycle) nhưng đặc biệt sống động và đáng nhớ hơn trong giấc ngủ REM (rapid eye movement) hay còn gọi là giấc ngủ có chuyển động liên tục trong mắt.
Trong quyển sách "Sao chúng ta lại ngủ", Tiến sĩ Matthew Walker lý giải về công dụng "thần kỳ" của giấc mơ như sau: "Việc nằm mơ trong giấc ngủ REM đưa sự day dứt đau đớn ra khỏi những giai đoạn cảm xúc khó khăn, kể cả sang chấn mà bạn đã trải qua suốt cả ngày, giúp tiêu độc về mặt cảm xúc khi bạn thức dậy vào sáng hôm sau".
Đó là vì nồng độ của noradrenaline (hóa chất liên quan đến căng thẳng) hoàn toàn bị cô lập khi bộ não bước vào trạng thái ngủ mơ. Trên thực tế, giấc ngủ REM là giai đoạn duy nhất trong 24 tiếng não bộ không sản sinh phân tử kích thích gây ra lo lắng này (1).
Còn rất nhiều điều chưa biết về giấc mơ nhưng những gì các nhà khoa học chắc chắn là tất cả mọi người đều mơ khi ngủ, tổng cộng khoảng hai giờ mỗi đêm, dù chúng ta có nhớ về nó khi thức dậy hay không (2).
Dưới đây là một số giả thuyết nổi bật nhất về mục đích của giấc mơ theo lĩnh vực khoa học thần kinh, tâm lý học, tâm thần học và khoa học nhận thức:
Lý thuyết này cho rằng giấc mơ giúp chúng ta xử lý và đối phó với cảm xúc, chấn thương hoặc tình huống nguy hiểm trong không gian “an toàn” của giấc ngủ. Đây là một cách để não bộ đối mặt với các vấn đề đau khổ trong đời sống thường ngày và thức dậy vào sáng hôm sau với cảm giác tốt hơn về những trải nghiệm đó (3). Chính vì vậy, giấc mơ được ví như một "phương pháp sơ cứu về mặt cảm xúc" hay "hình thức trị liệu qua đêm" giúp con người chữa lành (4).
Một số nhà nghiên cứu tin rằng mục đích của giấc mơ là để học các kỹ năng mới và nâng cao khả năng giải quyết vấn đề. Khi học một thứ gì mới hoặc tìm cách giải quyết một thử thách, chúng ta có thể sẽ mơ về quá trình hoàn thành nhiệm vụ.
Trong giấc ngủ REM, bộ não đối chiếu tất cả thông tin vừa mới học được cùng tất cả những gì có sẵn, sau đó bắt đầu xây dựng những kết nối mới, hình thành mạng lưới liên kết rộng lớn trong tâm trí. Nhờ vậy, chúng ta hiểu ra được những điều mới lạ về các vấn đề cũ chưa giải quyết được, đồng thời củng cố mạnh mẽ những ký ức hữu ích, giảm dần đi những gì không quan trọng (4), (5).
Nghiên cứu cũng chỉ ra giấc mơ là một công cụ thúc đẩy tư duy sáng tạo hiệu quả và nhiều người thường dùng giấc mơ để lấy cảm hứng, tìm kiếm ý tưởng mới cho công việc (6). Giả thuyết về sự sáng tạo trong giấc mơ khẳng định rằng, lúc này tâm trí vô thức (unconscious mind) của chúng ta không bị ràng buộc và được tự do đi lang thang với một tiềm năng vô hạn, khác hẳn khi bị chịu sự tác động của thế giới ý thức.
Theo lý thuyết về giấc mơ của nhà trị liệu tâm lý Sigmund Freud, giấc mơ đại diện cho những suy nghĩ và ham muốn hay khao khát bị kìm nén trong tâm trí vô thức (7). Điều đó đồng nghĩa, việc kìm nén một ý nghĩ sẽ khiến chúng ta có xu hướng mơ về nó (8). Nếu một người không thể bày tỏ hay đáp ứng được những mong muốn trong cuộc sống hằng ngày, tâm trí vô thức sẽ biến chúng thành các câu chuyện tưởng tượng trong khi ngủ.
Để cải thiện chất lượng giấc mơ, tăng cường giai đoạn ngủ REM cũng như ngủ đủ và sâu, độc giả có thể tham khảo những gợi ý sau đây (9):
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn một cây bút và “nhật ký giấc mơ” để đầu giường cũng giúp bạn tiện tay ghi lại những ý tưởng, câu chuyện hay ho có thể hữu ích cho công việc hay cuộc sống sau này. Bởi ký ức về một giấc mơ thường mờ đi rất nhanh, chúng ta thường chỉ nhớ về nó chỉ trong vài phút hoặc vài giây ngay sau khi tỉnh dậy. Việc thức giấc đột ngột cũng khiến cho các chi tiết còn sót lại trong giấc mơ nhanh chóng biến mất. Theo chuyên gia Matthew, sử dụng báo thức có giai điệu nhẹ hoặc âm lượng nhỏ sẽ hỗ trợ bạn nhớ lại giấc mơ dễ dàng hơn (10).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an