Một câu hỏi thực tế mà cha mẹ cần tự vấn chính mình là: "Việc ép con học hành, việc tạo áp lực để con đạt điểm giỏi, thành tích cao, muốn con thành công, nổi tiếng, là vì bạn muốn tốt thật sự cho con, vì bạn thương con thật lòng, hay là đang thỏa mãn lý tưởng của chính mình?"
Vì chỉ khi nhìn thẳng vào chính mình và trả lời lần lượt các câu hỏi này, chúng ta mới không vô thức biến con trẻ trở thành công cụ cho lý tưởng riêng của mình.
Vào mỗi dịp Hè, tôi lại về quê và ghé thăm gia đình anh chị họ. Sau một thời gian chứng kiến anh chị mệt nhoài "chạy" theo xu hướng "ép dầu ép mỡ, ép cả học hành", tôi thấy họ đã dần hiểu ra rằng: điều "cha mẹ muốn" và điều "con cái cần" không phải lúc nào cũng giống nhau. Kể từ đó, họ không còn đặt nặng việc các con phải trở thành một người thành công hay thành danh trong tương lai, mà làm sao để trở thành người tốt trong bất cứ tình huống nào. Vì thế, anh chị thường dẫn bọn trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện và du lịch để va chạm với cuộc sống nhiều hơn là chỉ để các con học kiến thức sách vở.
Người lớn cũng đã từng là trẻ nhỏ. Và bất cứ ai cũng vậy, tất cả người chưa trưởng thành hay đã trưởng thành đều có nhu cầu được lắng nghe, được thấu hiểu, được tự do sống là chính mình, và yêu thương nghĩa là có thể ứng dụng được những tính cách ấy trong đời sống.
Yêu thương không phải là để thỏa mãn chính mình một cách vị kỷ, mà là có thể trao ra cho người khác thứ mà họ đang thiếu thốn. Khi con gặp khó khăn và áp lực trong việc học, điều mà cha mẹ cần làm lúc này là trò chuyện cùng con, để lắng nghe và thấu hiểu con. Khi con lo lắng rằng mình không thành công, mình thua kém bạn bè, điều mà cha mẹ cần làm cũng là lắng nghe những gì con giãi bày, và làm sao để con nhận ra rằng thành công không phải là điều kiện cần trong cuộc sống, mà đó chỉ đơn giản chỉ là hệ quả của việc khi con sống đúng tốt, chăm chỉ và kiên nhẫn. Thành công không hẳn là lớp áo choàng vinh quang mà đám đông trao cho ta, mà là cách ta cảm nhận sự trọn vẹn và đủ đầy khi được sống là chính mình, và không bị lung lay bởi định kiến xã hội.
Như vậy, cha mẹ cũng cần trao cho con sức mạnh thành công đến từ việc xây dựng sự độc lập tư duy bên trong chứ không nên nương tựa phụ thuộc vào tung hô hay phê phán bên ngoài. Để được vậy, mỗi người lớn chúng ta nên tránh sự so sánh và phê phán con trong đời sống hàng ngày, nên tránh đặt nặng cuộc chiến hơn thua. Vì nếu đặt nặng được - hơn trong cuộc sống, thì cả cuộc đời, con sẽ có nguy cơ mải chạy đuổi hư danh và bị ảnh hưởng bởi những điều người khác bàn tán. Như vậy thì nội tâm con khó có thể vững chãi được giữa cuộc sống vốn lắm thăng trầm.
Hào quang của một người chỉ có trong giai đoạn, và đôi khi xuất hiện chỉ trong chốc lát. Nếu dính mắc vào điều này, họ sẽ có nguy cơ cả hành trình sống mãi đeo đuổi thứ gì đó phù phiếm để thỏa mãn thị hiếu đám đông, để thỏa mãn dục vọng của mình, nhưng lại không bao giờ có thể cảm nhận sự trọn đầy từ nội tâm. Khi con còn nhỏ, nếu cha mẹ có ý dạy con phải thành công, phải nổi tiếng,... thì con sẽ có khuynh hướng buồn bã và tức giận khi các bạn học quay mặt lại với con, khi không đạt được điểm cao hay thành tích tốt trong học tập.
Như vậy, khi chạy đuổi một lý tưởng, trong con sẽ lấp đầy bởi ham muốn và áp lực. Khi đạt lý tưởng, con sẽ tự cao và tự kiêu. Khi không đạt được lý tưởng, con sẽ phiền não và tự ti. Như vậy, đó có lẽ không phải là một cách giáo dục con cái cho trọn hai chữ yêu thương.
Một con người không thể bị định nghĩa bởi xã hội, vì xã hội thì luôn thay đổi và luôn có những định kiến. Giá trị của mỗi người là khi họ có thể sống hết mình và lao động một cách chân chính. Nếu thực sống của cha mẹ luôn xoay quanh điều này, thì nhận thức của người con sẽ được kích hoạt theo cách như vậy. Và cũng lúc đó, con sẽ làm việc đơn thuần vì đam mê, sống là vì sống, chứ không phải để thỏa mãn bất cứ ai, kể cả ham muốn nhất thời của chính mình. Chính cách tiếp cận giáo dục này sẽ giúp con bạn có thể linh hoạt và cân bằng giữa những quy chuẩn áp đặt và đánh giá cực đoan của đời sống.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?