Nhạy cảm là yếu tố làm nên thành công của nhiều người. Một cái mũi nhạy bén đưa đến cơ hội kinh doanh, một bộ não tinh tế giúp nhận ra biến chuyển của thời cuộc. Thế nhưng, "siêu nhạy cảm" lại khác, là lời nguyền với những ai mắc phải.
Nếu bạn luôn trong tình cảnh cạn kiệt năng lượng bởi sự ồn ào của thế giới ngoài kia, có lẽ bạn thuộc tuýp người siêu nhạy cảm (highly-sensitive person - viết tắt là HSP). Một nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa người siêu nhạy cảm với các triệu chứng kiệt sức, nghĩa là chúng ta càng mẫn cảm thì càng dễ bị kiệt sức và dẫn đến buông thả trong công việc (1).
Người siêu nhạy cảm là thuật ngữ chỉ những người có hệ thần kinh nhạy cảm, thường nhận thức được những điều tinh tế trong môi trường xung quanh và dễ bị choáng ngợp khi ở trong môi trường có tính kích thích cao. Vấn đề tâm lý này được tiến sĩ người Mỹ Elaine Aron nghiên cứu từ năm 1991 đến nay và được lý giải trong cuốn sách The Highly Sensitive Person: How To Thrive When The World Overwhelms You. Bà cũng chỉ ra một số đặc điểm của người siêu nhạy cảm như: (2)
Dưới đây là những việc khiến người siêu nhạy cảm bị rút cạn năng lượng mà có lẽ chính họ cũng không nhận ra. Nếu bạn rơi vào những trường hợp sau, hãy cân nhắc xem đó có phải lý do khiến bạn kiệt sức.
Nhận lời giúp đỡ đồng nghiệp, bạn bè, người thân mà không màn đến tình trạng bản thân sẽ khiến bất cứ ai cảm thấy kiệt quệ. Tuy nhiên, người siêu nhạy cảm lại càng dễ rơi vào trạng thái choáng ngợp và kiệt sức hơn cả, nhất là khi họ vốn nhút nhát, không biết cách từ chối trong mọi việc.
Đa nhiệm là cách nhanh nhất để làm kiệt quệ một người HSP khi họ thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải. Càng ôm đồm, bạn càng phải trả những cái giá rất đắt. Chẳng hạn, khi bạn vừa nhắn tin với bạn bè vừa soạn báo cáo thì tỉ lệ xảy ra sai sót trong bản báo cáo là rất cao. Bởi vì trên thực tế, não chúng ta không được cấu trúc để làm hai hay nhiều việc cùng lúc (3).
Ngoài ra, nhận xử lý nhiều đầu việc cũng đồng nghĩa với việc phải gánh vác nhiều trách nhiệm cùng lúc, đó là thứ khiến chúng ta cảm thấy nặng nề và âu lo hơn cả.
Bạn cảm thấy việc gấp quần áo, lau chùi bếp núc, dọn dẹp nhà vệ sinh… rất phiền toái và luôn tìm cách trì hoãn những công việc lặt vặt ấy. Kết quả là bạn sống trong một mớ lộn xộn và luôn bị "ngộp" không chỉ về mặt tinh thần mà còn là thể xác.
1. Tạo rào chắn cho bản thân
Hãy cho người khác biết những giới hạn mà họ không nên vượt qua để giữ cho bản thân một khoảng không gian riêng tư nhất định, đặc biệt là trong môi trường công sở. Bạn có thể đặt ra một số nguyên tắc, ví dụ như không làm việc vào chủ nhật hoặc sau 11 giờ khuya để đảm bảo sức khỏe tinh thần.
2. Thực hành chánh niệm
Đây là một phương pháp được các nhà khoa học đề xuất trong việc giúp đỡ người nhạy cảm giảm bớt áp lực trong cuộc sống: xử lý cảm xúc bằng cách điều chỉnh tâm lý, lắng nghe những điều tinh tế bằng trí óc và hiểu rõ những gì mình đang trải qua (4).
Thực hành chánh niệm nghe có vẻ khó khăn nhưng thực tế, bạn chỉ cần học cách dành một khoảng thời gian cố định để nghỉ ngơi, thử làm điều mới và lắng nghe tâm trí của mình.
3. Trở về với thiên nhiên
Việc quay trở về với thiên nhiên giúp những siêu nhạy cảm giảm căng thẳng hơn hẳn so với khi ở thành phố (5). Đó là lí do mà bạn nên ưu tiên đến những nơi có rừng cây và lắng nghe những âm thanh từ thiên nhiên nếu cảm thấy bản thân bị quá tải.
4. Chấp nhận bản thân và chuẩn bị cho trường hợp quá tải cảm xúc
Ý thức được mình là một người siêu nhạy cảm và lên kế hoạch đề phòng cho những trường bị quá tải cảm xúc là một cách giúp bạn giải toả tâm lý. Một nghiên cứu cho thấy những người trẻ mắc chứng siêu nhạy cảm bị đả kích tinh thần rất lớn bởi những tình huống dù là tiêu cực hay tích cực (6). Do đó, chuẩn bị tâm lý trước khi đối mặt vấn đề sẽ giúp bạn tránh khỏi cảm giác bất ngờ, quá tải.
Điều tối kỵ của một người siêu nhạy cảm là so sánh mình với người khác. Bạn nên biết rằng siêu nhạy cảm là một đặc tính thuộc về bẩm sinh, nó không thể cải thiện hay điều trị. Nếu bạn so sánh bản thân với một người không nhạy cảm thì chẳng hề công bằng với chính mình.
Trên thế giới có khoảng 20% dân số thuộc nhóm người siêu nhạy cảm (7). Việc là một người HSP cũng có những lợi ích nhất định như có khả năng lắng nghe tốt hơn, dễ đắm chìm vào vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, đối xử với bạn bè bằng tình cảm sâu sắc, có năng lực sáng tạo và trực giác nhạy bén. Vì thế, đừng cảm thấy sợ hãi hay cô đơn khi bản thân là một người đặc biệt như thế, bạn nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.